Theo quy định hiện hành các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh có giá trị trong 36 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Nhằm vận động các chủ thể tiếp tục đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định; nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2024; ngày 28/4/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 638/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2024.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Thông báo đến các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố; các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị có liên quan về: Danh mục các sản phẩm cấp huyện đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2024; danh mục các sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019 hết thời hạn 36 tháng theo quy định kể từ ngày 30/12/2022; danh mục các sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2020 hết thời hạn 36 tháng theo quy định kể từ ngày 22/12/2023; danh mục các sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2021 sẽ hết thời hạn 36 tháng theo quy định kể từ ngày 29/12/2024.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 theo đúng hướng dẫn của Trung ương ban hành cho giai đoạn 2021-2025. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng; chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành; các huyện thành phố và các đơn vị có liên quan đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trước 15/12/2024 trên phần mềm http://hoabinh.sohoaocop.vn. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đến các địa phương, phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ các chủ thể chủ động tham gia các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại về các nông nghiệp và sản phẩm OCOP do Trung ương, của tỉnh, các tỉnh thành khác tổ chức trong nước tổ chức năm 2024. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình OCOP ở các huyện, thành phố và đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình. Giao Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì tổ chức đoàn công tác cấp tỉnh đi kiểm tra, đánh giá, duyệt ý tưởng lựa chọn các sản phẩm cấp huyện đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 có tiềm năng có quy mô sản xuất phù hợp, mang tính hàng hoá, mang tính đặc trưng của vùng, quy chuẩn sản xuất an toàn, sản phẩm sáng tạo gia tăng giá trị, sản phẩm thế mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận.
Các sở, ngành thành viên Hội đồng thẩm định tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 theo đúng hướng dẫn của Trung ương ban hành cho giai đoạn 2021-2025 theo lĩnh vực được giao quản lý. Tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công. Tiếp tục lồng ghép các nguồn lực hợp pháp khác hỗ trợ các địa phương tăng cường công tác tập huấn, quản lý sản phẩm OCOP. Kiểm tra việc tuân thủ các cam kết về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Giao UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động các chủ thể đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019, 2020 đến nay đã hết thời hạn 36 tháng tiếp tục đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP đối với các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Tăng cường công tác quản lý sản phẩm OCOP đã được công nhận về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP và lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để chuẩn hóa sản phẩm OCOP nhằm phát huy huy lợi thế về thổ nhưỡng, cảnh quan, văn hoá đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt.
Hoàn thành đánh giá sản phẩm OCOP cấp huyện xong trước ngày 30/10/2024, đồng thời gửi công văn đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với các sản phẩm Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đạt từ 70 điểm trở lên về UBND tỉnh trước ngày 10/11/2024./.