DetailController

Trồng trọt

Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023

17/03/2023 17:00
Ngày 17/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 332 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2023 và Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức các hội chợ, triển lãm trưng bài sản phẩm OCOP của tỉnh

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung:

Thông báo đến các Sở, ban, ngành; các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan  Danh mục sản phẩm cấp huyện đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2023. Danh mục các sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019 đã hết hạn 36 tháng theo quy định, cụ thể: Danh mục 14 sản phẩm tiếp tục đăng ký tham gia, đánh giá phân hạng lại năm 2023. Danh mục 09 sản phẩm không đăng ký tham gia, đánh giá phân hạng lại năm 2023.

Một số điểm mới về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Về hồ sơ đăng ký, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP: Quy định về hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bổ sung “Báo cáo tự đánh giá của chủ thể”. Về đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia). Quy định về tổ chức họp Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP: Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định họp một (01) lần (thay vì 02 lần theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg); bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Tổ tư vấn Hội đồng để giúp việc Hội đồng trong hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Chương trình OCOP tỉnh): Hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương theo đúng hướng dẫn của Trung ương ban hành cho giai đoạn 2021-2025. Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành; các huyện thành phố và các đơn vị có liên quan đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (sản phẩm được cấp huyện đánh giá đạt 4 sao trở lên) trước 15/12/2023. Rà soát và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo minh bạch và chất lượng. Phối hợp tổ chức, tham gia Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP do Trung ương và các địa phương tổ chức theo kế hoạch năm 2023 khi có yêu cầu. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình OCOP ở các huyện, thành phố và đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình.

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đoàn công tác cấp tỉnh thực hiện: Tham mưu cho Ủy ban nhân tỉnh thu hồi 09 sản phẩm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019 đã hết hạn 36 tháng theo quy định không đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng lại. Phối hợp Ủy ban nhân dân các, huyện thành phố hướng dẫn hỗ trợ 14 sản phẩm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh năm 2019 đã hết hạn 36 tháng theo quy định tiếp tục đăng ký tham gia, đánh giá phân hạng lại năm 2023 theo quy định. Trên cơ sở các sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP năm 2023 của các huyện, thành phố. Tổ chức đoàn công tác kiểm tra, đánh giá, duyệt ý tưởng để lựa chọn các sản phẩm tiềm năng có quy mô sản xuất phù hợp, mang tính hàng hoá, mang tính đặc trưng của vùng, quy chuẩn sản xuất an toàn, sản phẩm sáng tạo gia tăng giá trị, sản phẩm thế mạnh tránh trường hợp các sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún, thiếu các tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

Các Sở, Ngành (thành viên Hội đồng thẩm định tỉnh) hỗ trợ, hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP ở địa phương theo đúng hướng dẫn của Trung ương ban hành cho giai đoạn 2021-2025 theo lĩnh vực được giao quản lý. Tham gia Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh theo lĩnh vực được phân công. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh hướng đến xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động, giới thiệu, hỗ trợ các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, làng nghề... tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và nông sản tại các Hội nghị xúc tiến, hội chợ thương mại và các sàn thương mai điện tử.

Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, thành phố. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm trên phần mềm http://hoabinh.sohoaocop.vn. Tổ chức đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gửi hồ sơ sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm trở lên tham gia đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao qua phần mềm sohoaocop.vn. Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và cấp Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả. Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) về Ủy ban nhân dân tỉnh để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP./.