DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Triển khai thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

29/10/2020 00:00
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Tại nước ta, tính đến tháng 6 năm 2020 có khoảng 250.000 người hiện nhiễm HIV, có trên 100.000 người nhiễm HIV đã tử vong, 100% các tỉnh, thành phố và 98% số đơn vị cấp huyện đã phát hiện người nhiễm HIV. Để đảm bảo việc thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tác hại, hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe con người, phát triển kinh tế xã hội

Với quan điểm: HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người dân và cộng đồng. Phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế và các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS toàn diện. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại tỉnh Hòa Bình vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, mục tiêu cụ thể nhằm mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt trên 90% vào năm 2030. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự nguyện xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt trên 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Các chỉ tiêu cụ thể: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 15 trường hợp/năm vào năm 2030. Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030. Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt  trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% vào năm 2030. Tỷ lệ người đồng giới nam (nếu có) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt trên 80% vào năm 2030. Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trên 80% vào năm 2030. Phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS điều trị tại phòng khám ngoại trú tham gia bảo hiểm y tế. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. 100% số huyện, thành phố có hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đảm bảo 100% các huyện thành phố có kế hoạch xây dựng mô hình phòng chống HIV/AIDS;80% xã phường trọng điểm có ít nhất một mô hình phòng chống HIV/AIDS (Nhóm giáo dục viên đồng đẳng; Nhóm chăm sóc tại nhà; câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS; mô hình toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư…)…