UBND tỉnh yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gắn với thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân; bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện của tỉnh, bảo đảm tính khả thi; gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc có tính kế thừa và đổi mới.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Hòa Bình toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại. Xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa và đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ phát triển đồng bộ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Khai thác tiềm năng phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng lợi thế của tỉnh; xây dựng cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Hòa Bình. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến 2030 phấn đấu đầu tư xây dựng thiết chế Nhà hát tỉnh Hòa Bình; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định cho 100% loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh, gồm: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Bảo tàng, Thư viện…; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, thành phố, Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp xã; nhà văn hóa thôn xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Phấn đấu huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo 05 di tích xếp hạng quốc gia tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; có ít nhất 60% di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo và phát huy hiệu quả.
Xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị 10 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường; hoàn thành hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc ghi danh theo các Công ước của UNESCO. Bảo đảm 75% trở lên người dân ở vùng sâu, vùng xa; 80% trở lên các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương. Phấn đấu có 85% cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn đạt các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống các dân tộc Hòa Bình để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tổ chức các trại sáng tác văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… Phấn đấu có từ 05 - 10 công trình nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; 10 - 20 tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách của tỉnh hằng năm. Phấn đấu gia tăng giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo để đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Hoàn thiện việc xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh./.