Theo đó, đánh giá chung, sau gần 03 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến địa phương, là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, sức sống và diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; tư duy kinh tế nông nghiệp bước đầu lan tỏa, tác động vào quá trình phát triển kinh tế ở nông thôn; môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nông thôn đang dần trở thành những “miền quê đáng sống”, là nơi “để đi về”.
Để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đánh giá kỹ lưỡng những kết quả đạt được trong 03 năm 2021-2023, trong đó, tập trung phân tích, làm rõ những mặt được, những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, tác động, ảnh hưởng của Chương trình đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nội dung, yêu cầu và những định hướng trong tổ chức thực hiện Chương trình; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông thôn, coi đây là một cuộc cách mạng về tư duy trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Quán triệt, đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, đường lối của đảng về xây dựng nông thôn mới, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; điều chỉnh Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.
Tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ thực hiện 02 chương trình MTQG còn lại để tập trung đầu tư hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thực chất, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương, tránh dàn trải, lãng phí, mang tính hình thức và chạy theo thành tích.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện Chương trình. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện Chương trình tổng thể xây dựng nông thôn mới, các chương trình chuyên đề; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP theo hướng đi sâu vào chất lượng, phát huy vai trò, ý nghĩa của Chương trình trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố cần nghiên cứu bổ sung thêm chức năng của Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư tỉnh, thành phố về huấn luyện người dân phát triển sản phẩm OCOP, khởi nghiệp trong nông nghiệp, để người dân phát huy được tính “chăm chỉ, tự lực, hợp tác”, tự hào về các sản phẩm do mình tạo ra và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các huyện nghèo. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ thực hiện 02 chương trình MTQG còn lại để tập trung đầu tư hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đặc biệt khó khăn... /.