Để khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế nêu trên và đặc biệt để giảm thiểu số người bị chó cắn và tử vong do bệnh Dại. Ngày 21/5/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có công văn số 761/UBND-NNTN yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ một số nội dung sau:
1. Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả, các quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó mèo cào, cắn.
2. Tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và sổ chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại; yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi; khi chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm theo quy định.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.
4. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc xin Dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.
5. Chỉ đạo, rà soát và tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư.
6. Thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn Thú y, Y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại tại cơ sở./.