DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh

02/06/2021 00:00
Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 15 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 10 tỉnh, thành phố và trên 140.000 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đã có 723 trường hợp người bị chó, mèo cào cắn phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại; đồng thời theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đạt thấp (50% tổng đàn). Nhận định trong thời gian tới nguy cơ gia tăng bệnh Dại rất cao nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống hữu hiệu.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt tập trung quản lý chặt chẽ đàn chó và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi, hạn chế tối đa lây truyền bệnh dại cho người, giảm thiểu số người bị chó cắn, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo và thực hiện rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó ở từng khu dân cư, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó. Yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó nuôi, chấp hành việc xích, nhốt và tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi theo đúng quy định; khi chó ra đường, nơi công cộng phải đeo rọ mõm; chủ động giám sát và báo cáo tình hình bệnh dại để cảnh báo cộng đồng.

 Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định (100% chó, mèo trong diện tiêm), thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng chó, mèo thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường và kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo được quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

 Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó nghi mắc bệnh Dại cắn hoặc khi động vật nghi mắc bệnh Dại, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương chủ động phối hợp với cơ quan Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, nguồn lây, tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; hướng dẫn những người bị chó cắn đến Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và điều trị phơi nhiễm với bệnh Dại.

Chủ động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt là những khu du lịch, khu vực thành phố, khu đông dân cư. Thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn Thú y, Y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại; kiểm tra công tác quản lý đàn chó, công tác tiêm phòng vắc xin Dại cho động vật nuôi tại địa bàn quản lý.

Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp phòng, chống và các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn…/.