Năm 2022, ngành Tài chính tỉnh Hoà Bình đã có nhiều đóng góp rất lớn trong việc tham mưu cho tỉnh đảm bảo nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Toàn tỉnh có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 9,03%, vượt 0,3% so với kế hoạch; an sinh xã hội và phúc lợi được quan tâm thực hiện. Trong năm, công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) được quan tâm chỉ đạo kịp thời; các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu NSNN. Theo đó, tính đến hết tháng 12/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, tăng 30% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 79% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Thu ngân sách địa phương ước đạt gần 17.379 tỷ đồng, bằng 143% so với dự toán TTCP giao và tăng 19% so với chi tiêu nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 121% so với thực hiện năm trước. Bên cạnh đó, công tác chi ngân sách địa phương đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hoạt động của các cấp, các ngành, địa phương. Chi ngân sách địa phương cả năm 2022 ước thực hiện là trên 17.225 tỷ đồng bằng 142% so với dự toán TTCP giao và bằng 118% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong năm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngân sách các cấp đã cân đối nguồn lực, Sở Tài chính Hoà Bình đã bố trí khoảng 80 tỷ đồng để thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid 19 và dành nguồn ngân sách để thực hiện bổ sung kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế theo nghị định số 108 của chính phủ; chi trả tiền lương, phụ cấp, các chính sách chi cho con người…
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 2.947 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch UBND tỉnh giao, phấn đấu đến hết 31/01/ 2023 giải ngân đạt 98% kế hoạch vốn được giao.
Năm 2023, xác định mực tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tiếp tục thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Sở Tài chính đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán thu, chi ngân sách địa phương đã được giao, cụ thể: Thu NSNN ước thực hiện 7.285 tỷ đồng, bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 37% so với dự toán TTCP giao; Thu NSĐP ước thực hiện 24 nghìn tỷ đồng, bằng 109% so với chỉ tiêu Nghị Quyết HĐND tỉnh giao, tăng 20% so với TTCP giao; Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23.850 tỷ đồng, tăng 9% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, bằng 119% so với TTCP giao….
Với những thành tích đạt được trong năm 2022, nhiều tập thể, cá nhân Sở Tài chính tỉnh Hoà Bình được đề xuất tặng thưởng bằng khen của Bộ Tài chính, UBND tỉnh. Sở Tài chính trao tặng giấy khen và trao các danh hiệu thi đua cho nhiều tập thể, cá nhân trong ngành.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Sở Tài chính trong triển khai nhiệm vụ năm vừa qua, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Hoà Bình nhấn mạnh: Năm 2022 là năm chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để hoàn thành nhiệm vụ ngành đề ra trong năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình đề nghị Sở Tài chính cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ, giải pháp quản lý thu, dự toán NSNN năm; Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nâng cao hiệu quả bộ máy… Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm đối với nhiệm vụ thu tiền sử dụng đất và các nhiệm vụ khác năm 2023, đồng thời làm tốt hơn nữa đối với công tác quản lý giá và tài sản công; Tăng cường tham mưu bố trí kinh phí xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nhất là đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, hạ tầng xã hội, tạo thêm nguồn thu, đa dạng hóa các nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ và bền vững nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2025 thu ngân sách nhà nước toàn địa bàn đạt 10 nghìn tỷ đồng theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025./.