DetailController

Tin từ các đơn vị

Triển khai Luật Bình đẳng giới năm 2020 trên địa bàn tỉnh

07/01/2021 00:00
Trong năm 2020, việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, chú trọng. Đã phát động và duy trì nhiều phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ nữ tham gia. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ cống hiến, trưởng thành.Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện.
Lễ phát động Hưởng ứng Tháng hành động Vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020

Trong năm, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, các luật liên quan và các văn bản dưới luật đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức truyền thông, đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cấp ngành, phù hợp với văn hóa, trình độ nhận thức của nhân dân từng vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Uỷ ban mặt trận Tổ quốc các cấp đã thành lập được 53 nhóm nòng cốt, 350 câu lạc bộ pháp luật; tổ chức được 509 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 60.776 lượt người.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới, các Sở, ngành, đoàn thể, các địa phương đã xây dựng nội dung hoạt động liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới thuộc ngành và lồng ghép vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đơn vị. Trong đó, Sở LĐ TB&XH đã triển khai mô hình Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới đã hoạt động công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật nâng cao nhận thức về bình đẳng giới (thực hiện 12 phóng sự, 16 bài viết, 10 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền); mở 14 lớp tập huấn cho 1.147 đại biểu với các nội dung như: Nâng cao kiến thức về Bình đẳng giới, kỹ năng quản lý lãnh đạo và các kỹ năng mềm khác cho đội ngũ cán bộ dân cử…

Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ được quan tâm. Năm 2020, tổng số lãnh đạo cấp Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có 82 cán bộ, trong đó số nữ lãnh đạo có 19/82 người (tăng 02 người so với năm 2019), đạt tỷ lệ 23,17% tổng số cán bộ, công chức tham gia lãnh đạo; Tổng số lãnh đạo cấp phòng và tương đương có 1.112 người, giảm so với năm 2019 là 70 người (do sắp xếp tổ chức bộ máy); trong đó, nữ có 427/1.112 người ( tăng 27 nữ so với năm 2019) đạt tỉ lệ 38,4% tổng số lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải ở cơ sở, toàn tỉnh có 2.061 tổ hoà giải/2.089 thôn, tổ dân phố, khu dân cư với 11.708 hoà giải viên tham gia hoà giải 100% trong cộng đồng về các lĩnh vực: Bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới…. Tư vấn pháp lý và trợ giúp pháp lý những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ. Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế: 100%; Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh bé trai/bé gái là: 112,1 trai/100 gái; Tử vong bà mẹ: 22/100.000 trẻ đẻ sống; Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh 97,1%; Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên 0,92%. Toàn tỉnh có 230.899/231.166 nữ ở độ tuổi dưới 40 tuổi được xoá mù chữ đạt tỷ lệ: 99,88%. Năm 2020 toàn tỉnh có 96 vụ bạo lực gia đình. Nhằm phòng, chống bạo lực trong gia đình, ở cơ sở đã huy động nam giới (Đối tượng gây bạo lực) tham gia các câu lạc bộ, các chương trình tuyên truyền về vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình.

Lực lượng Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động mua bán người để nhân dân phòng ngừa, đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện tố giác tội phạm. Đồng thời tiến hành điều tra cơ bản, tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người. Rà soát, lên danh sách phụ nữ lấy chồng nước ngoài để nắm tình hình và có biện pháp quản lý phù hợp. Trong năm 2020 không có vụ việc liên quan đến mua bán người.

Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng rất quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm gắn với xoá đói giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động nhất là lao động nữ ở nông thôn; tăng cường các hoạt động xúc tiến việc làm, giới thiệu lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân nhất là nữ vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo…/.