Bom đạn còn sót lại sau chiến tranh nằm rải rác trong lòng đất như bom phá, bom khoan, bom bi, bom cháy và một số loại đạn phòng không chưa nổ... Ngoài ra xung quanh các khu vực trước đây là căn cứ quân sự, kho quân sự và các nơi xử lý vũ khí, bom đạn của ta cũng là khu vực bị ô nhiễm bom đạn chủ yếu là các loại đạn pháo, đạn cối, lựu đạn. Bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, cản trở việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, chính quyền, quân đội và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tập trung huy động mọi nguồn lực tự có để khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) sau chiến tranh. Hàng năm lồng ghép trong các dự án, tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng phục vụ cho nhiệm vụ rà phá BMVN, làm sạch các vùng đất bị ô nhiễm; triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm phòng tránh tai nạn do bom mìn gây ra. Tuy nhiên, do diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn còn nhiều, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Chính vì vậy mà công tác KPHQBM gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương tiếp tục phải có những nỗ lực lớn hơn nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản, ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Bằng việc thực hiện linh hoạt các hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn; xử lý lưu động thông qua đường dây nóng; giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, giai đoạn 2016-2020 diện tích đất đã được dò tìm, xử lý sạch BMVN khoảng 1.600ha. Bảo đảm an toàn cho nhân dân sinh sống và làm việc, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, không để xảy ra tai nạn và nạn nhân bom mìn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh diện tích đất bị ô BMVN vào khoảng 7.192,6 ha.
Mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, cần tập trung huy động mọi nguồn lực của Trung ương, địa phương và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức có hiệu quả kế hoạch nhằm giảm thiểu diện tích ô nhiễm bom mìn; giảm thiểu tai nạn BMVN sau chiến tranh; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ người dân và nạn nhân bom mìn. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Trong đó, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là hướng đến mô hình “tỉnh an toàn” không còn nguy hiểm của BMVN đối với người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua các nội dung hoạt động: Rà phá bom mìn (hiện trường cố định, lưu động, liên lạc cộng đồng); khảo sát, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, chương trình phúc lợi xã hội và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực của địa phương và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho kế hoạch KPHQBM. Giảm thiểu tối đa số vụ tai nạn và số người bị tai nạn do bom mìn gây ra trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức và khả năng tiếp nhận kiến thức phòng tránh nguy hiểm BMVN của người dân trong tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý và ứng phó nguy cơ BMVN sau chiến tranh.
Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn toàn tỉnh không để xảy ra tai nạn và nạn nhân do BMVN gây ra, giảm thiểu tỷ lệ tai nạn và rủi do xuống mức 0%; diện tích đất được điều tra, khảo sát, rà phá BMVN vào khoảng 3.500ha; diện tích đất được sử dụng sau điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn: 2.500/3.500 ha đạt 71,43% trên tổng số diện tích đất được điều tra, khảo sát, rà phá BMVN. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực trạng và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh, công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và học sinh tại các vùng ô nhiễm bom mìn trong toàn tỉnh. Số lượng người tiếp cận chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn hàng năm là 60.000 lượt người. Đến năm 2025, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đưa nội dung phòng tránh bom mìn vào chương trình dạy và học. Hàng năm 100% nạn nhân và gia đình nạn nhân được hỗ trợ về y tế, phát triển sinh kế, cấp học bổng…và triển khai 1- 2 dự án phúc lợi xã hội…/.