DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè thu – vụ Mùa, định hướng vụ Đông năm 2023

14/06/2023 17:17
Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng Elnino (pha nóng) có thể xuất hiện từ nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác xuất khoảng 70 - 80%. Dự báo nền nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5 – 1 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN), gia tăng số đợt nắng nóng và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN tuy nhiên có nguy cơ thấp hơn hơn từ 10 - 25%. Dòng chảy tại các sông, suối, hồ chứa tiếp tục thiếu hụt từ 20 - 30% so với TBNN.

Với dự báo trên, một số khu vực sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, khó khăn trong đảm bảo nguồn nước gieo trồng và tưới dưỡng. Nắng nóng, khô hạn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện có khả năng gây ra gió mạnh, mưa lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất. Phù hợp để bố trí tăng diện tích và đẩy sớm tiến độ sản xuất cây trồng vụ Đông ưa ấm như ngô, đậu tượng.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ Mùa, Hè thu chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 44,5 nghìn ha, trong đó: cây lương thực có hạt 33,35 nghìn ha (Lúa 21,83 nghìn ha, phấn đấu năng suất đạt 54,8 tạ/ha; Ngô 11,52 nghìn ha, năng suất 46,1 tạ/ha); Khoai lang 1,25 nghìn ha; Đậu tương 119 ha; Lạc 1,37 nghìn ha; Rau, đậu các loại 4,53 nghìn ha. Cây gia vị, dược liệu hàng năm và cây hàng năm khác trên 3,8 nghìn ha. Tập trung chỉ đạo, điều tiết nước cho diện tích trà sớm để bố trí tối đa diện tích cho sản xuất vụ Đông. Sử dụng giống ngắn ngày, tập trung gieo cấy theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ. Mở rộng gieo cấy các giống lúa thuần, những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thị trường. Giảm dần sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng thấp. Sử dụng bộ giống ngô lai năng suất cao thích hợp điều kiện sản xuất địa phương. Đặc biệt đối với những vùng chịu áp lực cao sâu keo mùa thu có thể sử dụng một số giống ngô biến đổi gen. Lạc dùng các giống có tiềm năng năng suất cao, chịu thâm canh, chống chịu sâu bệnh khá, có khả năng thích ứng rộng và chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai phục vụ sản xuất. Kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đảm bảo hiệu quả; tập trung cải tạo, nâng cao giá trị vườn tạp gắn với chỉnh trang nông thôn, xây dựng vườn mẫu; Khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực.

Ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 9,69 triệu con theo kế hoạch. Tập trung tái đàn lợn, gia cầm đảm bảo đủ sản lượng thịt cung ứng cho thị trường. Chủ động phòng, chống các loại dịch, bệnh trên đàn vật nuôi; phòng, chống bệnh dại. Tổ chức sản xuất chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi; thông tin dự báo về thị trường để các tổ chức, cá nhân biết điều chỉnh kế hoạch sản xuất chăn nuôi, phù hợp. Đẩy mạnh phát triển đa dạng các loài vật nuôi, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nghiêm cấm việc đánh bắt thuỷ sản bằng chất nổ, hoá chất và xung điện; Chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật quản lý các loài thủy sản nuôi. Quản lý tốt nhãn hiệu chứng nhận cá, tôm Sông Đà - Hòa Bình. Phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đẩy mạnh thâm canh cá lồng, bè trên sông và hồ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ mới vào nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và nguồn vật liệu giống đưa vào sản xuất cây con. Tiếp tục triển khai trồng rừng đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh trồng rừng thay thế, thực hiện trồng ngay rừng sau khai thác, duy trì ổn định độ che phủ rừng trên 51,5%. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; công tác quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất. Hướng dẫn công nhận và nâng cấp hạng sao cho các sản phẩm OCOP, phấn đấu có 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.

Định hướng sản xuất vụ Đông 2023: Phấn đấu gieo trồng khoảng 9,48 nghìn ha cây vụ đông. Trong đó tiếp tục duy trì từ 2.000-2.500 ha diện tích trên đất 2 lúa; đất đang trong giai đoạn luân canh cây trồng để tái canh cây có múi. Sử dụng giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và ngô nếp, ngô ngọt có năng suất và phẩm chất cao, có liên kết tiêu thụ ổn định. Đẩy mạnh trồng ngô sinh khối tại các huyện Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc. Các địa phương cần mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng vụ đông, tăng thu nhập trên diện tích canh tác; tập trung chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể thời vụ gieo cấy trà lúa mùa sớm đảm bảo thu hoạch trước 25/9 để giải phóng đất để bố trí trồng nhóm cây vụ đông ưa ấm (ngô, khai lang, đậu tương, lạc). Đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Thực hiện biện pháp rút nước đệm phù hợp, đảm bảo độ ẩm đất để sau khi thu hoạch lúa mùa là làm đất và trồng ngay cây vụ Đông. Tăng cường công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, chống dịch, tích cực dự trữ thức ăn phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò. Đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô; điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất./.