Năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, xuất khẩu tăng kỷ lục. Cơ cấu ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển; công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng. Trong đó, ngành trồng trọt được mùa cả 3 vụ trên phạm vi cả nước, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn (2,3%); sản lượng ngô đạt 5,45 triệu tấn, tăng thêm 250 nghìn tấn (4,8%) so với năm 2013; sản lượng sắn tăng 6,3%; cà phê tăng 5,2%; chè tăng 6,7%; hồ tiêu 2,5%; cam tăng 7,2%,… so với năm 2013. Sản xuất chăn nuôi có bước khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng (thịt hơi các loại tăng 2,7%, sữa tăng 15,6%, trứng tăng 3,8%) trong khi giá cả luôn ở mức khá cao. Lĩnh vực chăn nuôi thủy sản đã khắc phục khá thành công khó khăn về dịch bệnh, có bước phát triển vượt bậc, tổng sản lượng đạt 3,62 triệu tấn (tăng 4%). Ngành lâm nghiệp đã tiếp tục đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, nhờ vậy độ che phủ rừng đat 41,5% (tăng 6,6%) và đã có bước chuyển động mới theo hướng phát triển rừng trồng cây gỗ lớn. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và các chương trình phát triển nông thôn khác khác tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đến nay đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% số xã phê duyệt đề án, trên 9 nghìn mô hình được đưa vào sản xuất. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai được tăng cường; vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn, trong năm đã dầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 74 dự án hạ tầng, các cơ sở đào tạo cũng được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa. Ngoài ra, đã xây dựng được hàng nghìn mô hình liên kết sản xuất lúa quy mô lớn với diện tích khoảng 403 nghìn ha.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp nông thôn nước ta còn có những khó khăn, hạn chế như chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, một số lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ gặp khó khăn như cao su, cá tra, mía đường; đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất còn chậm; công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2015, ngành nông nghiêp nông thôn tiếp tục đẩy mạnh nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng trưởng GDP toàn ngành đat từ 3 – 3,3%, giá trị sản xuất tăng từ 3,5 – 3,7% so với năm 2014; giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng dạt 42%; số xã trên cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới là 20%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả của ngành nông nghiệp nông thôn trong năm 2014. Phó Thủ tướng khẳng định đây là năm chặn đứng đà suy giảm của ngành nông nghiệp Việt Nam, chuyển dịch cơ cấu tiếp tục thực hiện theo hướng tích cực, Chương trình MTQG về NTM đã thành công từ trong nhận thức, làm thay đổi dần nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp, nhiều địa phương đã tích cực chủ động sáng tạo trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp nông thôn cần phối hợp với các cấp, các ngành để tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục duy trì và tác động mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm vào lòng tin của nhân dân trog nước; phát triển các sản phẩm nông nghiệp ra các thị trường rộng lớn mới như thị trường Đông Âu; đồng thời nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả quản lý ngành; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về chương trình MTQG về xây dựng NTM, cung cấp thông tin thị trường, phổ biến rộng rãi mô hình sản xuất giỏi; tăng cường mối liên kết giữa 3 nhà (nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp); giải quyết các vấn đề rào cản kỹ thuật liên quan giúp nông nghiệp nước ta phát triển phù hợp với quá trình hội nhập; đẩy mạnh tái đầu tư công; tháo gỡ khó khăn trong công tác trồng bù rừng; ngoài ra các địa phương cần xây dựng phương án để phòng chống siêu bão; phòng chống thiên tai và quy hoạch xử lý chất rác thải./.