DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân trên địa bàn tỉnh

14/04/2021 00:00
Hồ sơ sức khỏe điện tử là một phần mềm hữu ích với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân đảm bảo mọi người dân đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu; được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc được chuyển tuyến phù hợp khi khám, chữa bệnh. Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở hiện có, nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng, đồng thời góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó là thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khoẻ, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho người dân tỉnh Hòa Bình gắn với bảo hiểm y tế toàn dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai tập huấn phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử cho cán bộ

Để mở rộng phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Từ năm 2021đến hết năm 2023: Thực hiện khám,lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt ≥ 70% dân số của tỉnh, khám sức khỏe định kỳ cho những trường hợp đã lập hồ sơ sức khỏe và cập nhật dữ liệu đối với những người đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Từ năm 2024 trở đi: Thực hiện khám,lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho dân số còn lại, lập hồ sơ sức khỏe bổ sung và khám sức khỏe định kỳ cho người dân đảm bảo đến hết năm 2025 có ít nhất 90% dân số được theo dõi, quản lý sức khỏe; cập nhật dữ liệu sức khỏe cá nhân của người dân khi đi khám sức khỏe, khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

          Trong đó hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp một mã định danh y tế duy nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân đảm bảo liên thông, đồng bộ, kết nối với các phần mềm khác từ các chương trình mục tiêu, các hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh. Phần mềm đáp ứng các quy định của Quyết định số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, yêu cầu Nhà cung cấp phần mềm phải đảm bảo các nội dung, thông tin theo quy định của Bộ Y tế.

          Đối tượng tham gia quản lý sức khỏe người dân là trạm Y tế các xã, phường, thị trấn; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh, Phòng khám bác sỹ gia đình và các cơ sở y tế khác.

          Đối tượng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là toàn bộ người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hòa Bình, phân loại đối tượng thành các nhóm:Trẻ em dưới 6 tuổi; học sinh: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; sinh viên: Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức xã hội, xí nghiệp, doanh nghiệp,…;người cao tuổi, hưu trí: Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, người nghỉ hưu, hưởng BHXH hàng tháng; người dân lao động tự do và các đối tượng còn lại khác.

          Thực hiện cập nhật, bổ sung các thông tin y tế có sẵn đang được quản lý tại các cơ sở y tế: Tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng; khám và quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên; khám và quản lý sức khỏe người cao tuổi; khám và quản lý thai nghén,... vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Đồng thời thực hiện khám sức khỏe cho từng người dân để cập nhật thông tin liên quan đến sức khỏe vào hồ sơ quản lý theo hình thức khám toàn dân.

Nhóm 1: Khám tại Trạm Y tế, gồm các đối tượng:

+ Trẻ em dưới 6 tuổi không đi học trường mầm non của huyện, thành phố.

+ Người cao tuổi, hưu trí.

+ Người dân lao động tự do và người khác.

Nhóm 2: Khám tại các Trường học, gồm các đối tượng:

+ Trẻ em dưới 6 tuổi học ở trường mầm non.

+ Học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

+ Sinh viên.

Nhóm 3: Khám tại các cơ quan, đơn vị: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Những trường hợp đã khám sức khỏe trong vòng một năm thì không cần khám lại, chỉ cập nhật kết quả khám vào Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý tại các Trạm Y tế. Bổ sung, cập nhật thông tin vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân khi người bệnh đến khám, chữa bệnh ở Trạm Y tế, Phòng khám đa khoa, Phòng khám đa khoa khu vực hoặc thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh lưu động. Trường hợp khi khám phát hiện có bệnh thì được tư vấn, điều trị tại Trạm Y tế hoặc chuyển tuyến theo quy định.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến tỉnh,tuyến huyện cập nhật các thông tin Y tế những người đến khám bệnh, chữa bệnh vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thông qua việc liên thông, kết nối giữa các phần mềm…/.