Tác động của Luật đất đai tới phát triển kinh tế - xã hội
Luật Đất đai 2013 giúp hoàn thiện hơn cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai cho phát triển kinh tế xã hội. Nhờ có Luật, các chính sách pháp luật đã tăng cường sự công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, giảm khiếu kiện. Nhiều nội dung đã góp phần sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời bổ sung một số điểm mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị.
Luật đất đai 2013 có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã góp phần ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất. Người có đất bị thu hồi được đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giúp giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ dân tộc ít người đời sống khó khăn đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình “xoá đói giảm nghèo”. Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, công tác lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã tạo quỹ đất hợp lý cho các khu xử lý chất thải, nước thải, đặc biệt là ở các đô thị và khu vực phát triển công nghiệp; có cơ chế chính sách và giải pháp khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh những diện tích đất trống đồi núi trọc, giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Kết quả triển khai Luật Đất đai 2013
Trong năm 2014, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Tổng cục quản lý đất đai đã tổ chức triển khai giới thiệu Luật Đất đai 2013 đến các Sở Ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố. Theo đó, 01 hội nghị tập huấn được tổ chức. Các nội dung phổ biến gồm: các quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trình tự thực hiện chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; và giải quyết tranh chấp đất đai. Trong chương trình tập huấn, các vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai cũng được giải đáp, là cơ sở giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đất đai sau này tại địa phương. Đối tượng được phổ biến bao gồm: Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành đoàn thể trong tỉnh lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thành phố; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư các huyện.
Ở cấp huyện, Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn được triển khai một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Cụ thể, tại huyện Kỳ Sơn, Luật đất đai 2013 được triển khai rộng tới từng thôn xóm. Theo đó, 16 nhóm trợ giúp Luật đất đai được thành lập trên địa bàn 16 xóm thuộc 4 xã Dân Hoà, Dân Hạ, Mông Hoá và Phúc Tiến. Các hình thức tuyên truyền được sử dụng một cách đa dạng, linh hoạt: truyền thông qua các cuộc họp xóm, truyền thông lồng ghép trong các cuộc họp ban, ngành; tư vấn nhóm và tư vấn riêng tại từng hộ gia đình. Việc sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền cũng như sự ủng hộ của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân đã tạo nên hiệu ứng bất ngờ. Người dân từ việc thay đổi nhận thức đã có sự thay đổi hành vi và có cách xử trí văn minh, đúng pháp luật hơn trước các bức xúc hay vướng mắc về đất đai. Nhờ đó, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp giảm hẳn. Trong bốn năm, số đơn thư khiếu kiện, khiếu nại về đất đai gửi UBND xã giảm từ 9 đơn thư năm 2011, còn 2 đơn năm 2012. Năm 2013 và 2014 chỉ còn 1 đơn/năm. Có được kết quả này là nhờ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến Luật đất đai một cách tích cực, thống nhất giữa các cấp chính quyền, với cơ quan chức năng chuyên môn và người dân.
Đất đai là một lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm. Song nhờ sự phối hợp, nhất trí cao và đồng bộ từ các cấp, đến nay, việc triển khai Luật đất đai 2013 trên địa bàn tỉnh được đánh giá đi đúng trọng tâm. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, nhất là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; hình thành ý thức sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; ngăn ngừa những hành vi vi phạm, tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai ngay từ cơ sở; góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.