Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó có nội dung hướng dẫn việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa...). Đến nay, các xã về đích nông thôn mới đều xây dựng và triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng… Tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh mục 2 Mô hình: Mô hình Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom và xử lý rác thải rắn cho người dân nông thôn xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi; Mô hình Mô hình xây dựng cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn xã Yên Trị, huyện Yên Thủy. Thực hiện Phong trào chung tay phòng chống rác thải nhựa, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 62-CT/TU ngày 30/7/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào "chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các đơn vị đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân trong việc thực hiện bảo vệ môi trường (BVMT), đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” góp phần thiết thực bảo vệ môi trường. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các sở, ngành đã tích cực triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Việc thực hiện Phong trào “chống rác thải nhựa” được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, đồng bộ, gắn với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các đơn vị trong việc thực hiện Phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị và Nhân dân được nâng cao. Từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong công tác kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân huỷ sinh học và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt; sử dụng sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân huỷ trong môi trường như giấy, tre, nứa, cói..., sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án khu xử lý chất thải rắn (CTR) thực hiện theo Quyết định số 2436/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 và Quyết định 212/QĐ-UBND ngày 08/02/2022 của UBND tỉnh, như: Khu xử lý CTR tại tiểu khu 10, thị trấn Lương Sơn do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hoàng Long, chi nhánh Hoà Bình làm chủ đầu tư, với quy mô dự án 10 ha, đảm bảo theo quy hoạch; điểm xử lý rác thải tại xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, diện tích 50ha do Công ty CP môi trường năng lượng Bắc Việt làm chủ đầu tư; Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Tâm với quy mô dự án 10,6 ha. Bên cạnh đó, các khu xử lý rác của xã Dũng Phong (Cao Phong); thị trấn Mường Khến (Tân Lạc); Khu xử lý rác thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc); Đông Bắc (Kim Bôi) được giao cho UBND xã, thị trấn tự quản lý và thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom và xử lý. Đối với các dự án khác đã được quy hoạch, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành huy động các nguồn lực để thực hiện.
Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn luôn có sự đồng hành của UB MTTQ VN các cấp và các tổ chức đoàn thể. Nhiều phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... đã đưa tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm của tỉnh được nâng lên đáng kể. Trong đó, tiêu biểu là mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, “Thôn, xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu” của Hội Phụ nữ; 4 mô hình điểm “thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón, xử lý môi trường làng nghề và thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” của Hội nông dân. Ngoài ra, Đoàn thanh niên đã hướng dẫn, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia bảo vệ môi trường hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa thông qua việc tổ chức “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”...
Tỉnh cũng đã chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi cải thiện môi trường sinh thái. Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình xử lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, bảo vệ môi trường các lưu vực sông đặc biệt là sông Đà. Đồng thời, chú trọng chất lượng môi trường sống, cơ bản bảo đảm cung cấp nước sạch, dịch vụ y tế, dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu vực nông thôn. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai; tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước.
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay, nhiều xã đã tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn có sự tham gia của cộng đồng; phát động và tổ chức phong trào trồng cây bóng mát và trồng hoa bên lề đường trục xã, thôn, xóm, các địa phương; phát động phong trào trồng 1 tỷ cây xanh hàng năm. Đến nay, các xã về đích nông thôn mới đều có cảnh quan môi trường xanh - sạch- đẹp, trên địa bàn các xã có các tuyến đường hoa, tỷ lệ cây xanh đều đạt từ 2m2/người trở lên; việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Hầu hết các xã, thị trấn có tổ, đội vệ sinh môi trường, hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc Công ty vệ sinh môi trường; hầu hết các xã, thị trấn đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Có thể thấy, hương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.