Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát các quy định, các văn bản pháp luật về đăng ký, quản lý, thống kê hộ tịch để đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Hằng năm, chỉ đạo Sở Tư pháp thực hiện rà soát các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã kịp thời ban hành các Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác Tư pháp. Trong đó chú trọng nội dung kiểm tra công tác hộ tịch, có văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh về công tác hộ tịch đối với UBND các huyện, UBND các xã, thị trấn khi phát hiện có sai sót trong quá trình đăng ký và thống kê hộ tịch. Thông qua công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai đăng ký, thống kê hộ tịch ở địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch được UBND các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện tiến hành rà soát các trang thiết bị phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của Phòng Tư pháp và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến; 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện hiệu quả hai nhóm thủ tục hành chính liên thông.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND cấp huyện quan tâm, chú trọng tới công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch, nội dung và mục tiêu cơ bản của Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 với các hình thức tuyên truyền, phổ biến khá đa dạng, như: Niêm yết công khai các thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch trên Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã và tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Phòng Tư pháp cấp huyện đã phối hợp với Trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông biên soạn, phát hành tờ rơi, tờ gấp có nội dung tuyên truyền về pháp luật hộ tịch, ý nghĩa, vai trò của giấy tờ hộ tịch, đặc biệt là giấy khai sinh. Xây dựng các chương trình phát thanh, hỏi đáp pháp luật về những quy định pháp luật thuộc công tác hộ tịch phát trên loa phát thanh tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, đăng tải các bài tuyên truyền pháp luật về luật hộ tịch trên trang thông tin điện tử cấp huyện. Xây dựng các chuyên mục phổ biến pháp luật hộ tịch, lồng ghép nội dung về đăng ký, thống kê hộ tịch trong các buổi hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các buổi sinh hoạt chuyên đề, tổ chức “Ngày pháp luật” hàng năm.
Kết quả giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch thông tin về các sự kiện hộ tịch của cá nhân sau khi đăng ký được ghi kịp thời, khoa học vào Sổ hộ tịch; dữ liệu hộ tịch được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Cụ thể, từ năm 2017 tỷ lệ trẻ em sinh ra sống là được đăng ký khai sinh luôn đạt 99,9%; đến năm 2023 đạt 99,9%. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ đăng ký khai sinh trung bình đạt 100%. Năm 2020, tỷ lệ các trường hợp tử vong xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm được đăng ký khai tử là 98,33%; tỷ lệ này đến năm 2023 là 99%. Năm 2020, tỷ lệ các trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trên địa bàn tỉnh đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận kết hôn là 95%; tỷ lệ này đến năm 2023 tăng lên 98%. Năm 2020, tỷ lệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng dưới độ tuổi kết hôn (tảo hôn) trên địa bàn tỉnh là 5%; đến năm 2023, đã hạn chế được tình trạng này trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Từ năm 2020-2023, tỷ lệ các trường hợp ly hôn theo bản án/quyết định đã có hiệu lực của Tòa án Việt Nam được ghi vào sổ hộ tịch đạt 100%; tỷ lệ trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha vàmẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật đạt 100%.
Phần mềm quản lý hộ tịch điện tử được liên thông, liên cấp, cập nhật đầy đủ thông tin định danh cá nhân, thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu. Năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh được tra cứu từ dữ liệu đăng ký khai sinh tại địa phương và tại phần mềm thống kê hộ tịch Bộ Tư pháp. Năm 2023, số liệu thống kê đại diện quốc gia hàng năm về tỷ lệ khai tử được tra cứu từ sổ đăng ký khai tử tại địa phương và tại phần mềm thống kê hộ tịch Bộ Tư pháp. Đến năm 2022, các bảng tóm tắt các số liệu thống kê hộ tịch về tỷ lệ khai sinh, khai tử đã sử dụng hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn cơ bản, công chúng dễ tiếp cận dưới hình thức phiên bản điện tử và trong thời gian là một năm. Đến năm 2023, báo cáo số liệu thống kê hộ tịch kịp thời, đầy đủ và chính xác trong hai năm trước đó. Những kết quả đạt được là cả một quá trình nỗ lực của cán bộ, công chức ngành Tư pháp trong việc triển khai, thực hiện công tác hộ tịch trong thời gian qua.
Qua 7 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch được giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định, việc đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước đi vào nề nếp, cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được quan tâm, đầu tư. Người dân đã ý thức được việc đăng ký hộ tịch là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nâng cao trách nhiệm, ý nghĩa và tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch, có ý thức tự giác đến các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký các sự kiện hộ tịch theo quy định của pháp luật./.