Để triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền miệng qua các cuộc họp, hội nghị, qua việc phát hành các ấn phẩm, tờ dơi, thông qua hình thức sân khấu hóa, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải trên Báo Hòa Bình và phát sóng thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài Phát thanh -Truyền hình các huyện, thành phố. Giai đoạn 2019- 2023, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đến hơn 1.375 nghìn lượt người. Thông qua tuyên truyền đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa 2 phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.
Nội dung quy hoạch lâm nghiệp đã được đưa vào trong quy hoạch cấp tỉnh. Cụ thể, tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030. Tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 298.013,00 ha. Trong đó, Đất rừng đặc dụng là 40.352,72 ha; đất rừng phòng hộ là 108.231,28 ha; đất rừng sản xuất là 149.429,00 ha. Năm 2023, Quyết định 3042/QĐ-UBND tiếp tục được điều chỉnh; dự kiến quy hoạch lâm nghiệp toàn tỉnh đến năm 2030 theo chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia là 286.106,00 ha, diện tích đất có rừng khoảng 226.010,00 ha và tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030 là 49,86%. Việc đưa nội dung về lâm nghiệp vào trong quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật được thực hiện tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất. Công tác quy hoạch lâm nghiệp cũng giúp xác định các mục tiêu và chiến lược phát triển lâm nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo sự cân đối giữa việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từ đó, tỉnh đã kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng các công trình/dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giai đoạn 2019-2023, đã có 104 dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 2.085,27 ha.
Công tác theo dõi diễn biến rừng được UBND tỉnh đặc biệt chú trọng, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi diễn biến rừng thông qua việc ứng dụng các phần mềm, khai thác sử dụng nguồn dữ liệu ảnh vệ tinh kết hợp tải các điểm/vùng biến động được phát hiện trên trang cảnh báo mất rừng của Cục kiểm lâm để kiểm chứng tại thực địa và cập nhật vào phần mềm cập nhật diễn biến rừng. Vì thế công tác theo dõi diễn biến rừng đã đạt được những kết quả tốt, độ chính xác ngày càng cao, từng bước xác định diện tích các loại rừng, đất quy hoạch phát triển rừng hiện có, diện tích biến động của từng loại rừng, từng chủ rừng, làm cơ sở trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng, phát triển rừng và xác định độ che phủ rừng.
Đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng được quan tâm. Thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, từ năm 2018 đến năm 2023 các Khu bảo tồn thiên nhiên đã hỗ trợ cho 548 thôn bản vùng đệm với số tiền 21.920 triệu đồng. Nhân dân các thôn, bản vùng đệm sau khi được triển khai hỗ trợ đầu tư đã nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng người dân trong việc quản lý bảo vệ rừng, có tính đấu tranh, phê bình và tố giác các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên khu bảo tồn. Bởi vậy đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ bảo vệ rừng ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, phát lấn, phát vén vào rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái pháp luật. Đối với rừng sản xuất, việc khai thác rừng được thực hiện theo đúng quy định. Tổng giá trị lâm nghiệp đạt 3.858,6 tỷ đồng, bình quân 771,71 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã hỗ trợ làm tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế, hỗ trợ cho các chương trình, dự án và các hoạt động phi dự án… Trong 5 năm, Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh đã thu uỷ thác trên 118,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, tỉnh đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với 17 khu vực trên địa bàn 5 huyện gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong và thành phố Hòa Bình; với 25.020 chủ rừng, 108 cộng đồng dân cư, 19 tổ chức, doanh nghiệp và 73 UBND cấp xã. Giai đoạn 2019 - 2023 đã chi trên 106 tỷ đồng.
Từ những kết quả đã đạt được cho thấy, Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã được hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Là cơ sở để cơ quan chức năng trong tỉnh xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách phát triển rừng bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, làm giàu rừng với bảo vệ diện tích rừng hiện có; đẩy mạnh trồng rừng kinh tế gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng. Qua đó, đã cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống của những người làm nghề rừng; góp phần tạo động lực, thúc đẩy Nhân dân tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn./.