DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Triển khai Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022-2030" trên địa bàn tỉnh

07/06/2022 00:00
Để góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Hòa Bình tại thị trường trong nước và quốc tế; ngày 06/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2022-2030" theo Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kế hoạch gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2022-2025, tỉnh đạt mục tiêu đưa 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất, chế biến tốt VietGAP, ISO (tương đương); 70 % trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quy mô vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh; 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Giai đoạn 2026-2030, đưa thêm 20% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP (tương đương) và 20% trang trại chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh; tăng thêm 20% hàng hóa qua sơ chế, chế biến.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm: Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối/trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông, lâm, thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản; triển khai hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn; tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Đồng thời, Kế hoạch đưa ra 6 giải pháp cần triển khai trong thời gian tới gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách; lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021-2025. Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản. Tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản Việt. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản./.