Ngày 7/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật vệ sinh CTMTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hòa Bình. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Qủan lý môi trường Y tế, Bộ Y tế, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đến hết năm 2012, tòan tỉnh mới có khoảng 40% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên theo phân tích thì nghèo không phải là nguyên nhân chính để không có nhà tiêu hợp vệ sinh(NTHVS), một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhưng tỷ lệ hộ gia đình không có NTHVS cao như Lạc Thủy, Yên Thủy, Mai Châu. Theo mục tiêu kế hoạch Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015 tỉnh Hòa Bình phải đạt tỷ lệ 65% hộ gia đình nông thôn có NTHVS, tức là trung bình phải xây mới 15.000 nhà tiêu/năm. Tuy nhiên, các chương trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ gia đình có NTHVS tăng qua các năm chủ yếu là tăng tự nhiên, khoảng 3%/năm, nếu không có các giải pháp, cơ chế chính sách và kế hoạch can thiệp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu kế hoạch.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật vệ sinh CTMTQG nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Hòa Bình do WSP và Cục Qủan lý môi trường Y tế là nhà tài trợ, SNV và codespapro là đối tác sẽ được triển khai làm 3 giai đọan: thực hiện đánh giá nhanh từ tháng 11/2013 – 2/2014, phát triển chiến lược cấp tỉnh và kế hoạch triển khai cấp huyện từ tháng 3/2014 – 6/2014, chuẩn bị bộ công cụ và tập huấn vừ tháng 7/2014 – 10/2014. Dự án được triển khai giúp tỉnh Hòa Bình đạt được mục tiêu 65% số hộ gia đình ở nông thôn có NTHVS vào năm 2015.
Tại buổi làm việc, đại diện của Ngân hàng thế giới và nhóm tư vấn vệ sinh đã giới thiệu, trình bày về dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Nước và Vệ sinh, kế hoạch tổng thể nhiệm vụ tư vấn vệ sinh và đề xuất cơ chế phối hợp thực hiện các hoạt động thúc đẩy vệ sinh tại Hòa Bình, kế hoạch hoạt động chi tiết 3 tháng tới của Nhóm vệ sinh tại Hòa Bình.
Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Qủan lý môi trường Y tế, Bộ Y tế phân tích: người dân có khả năng kinh tế tuy nhiên họ chưa có yêu cầu bức bách về xây dựng NTHVS, do đó hoạt động của dự án phải nhằm vào việc tạo ra yêu cầu cần phải có NTHVS cho người dân và phát triển thị trường cung cấp NTHVS cho người dân tiếp cận. Trước mắt, dự án sẽ triển khai thí điểm tại 8 xã của hai huyện Kim Bôi và Mai Châu tỉnh Hòa Bình.
Gíam đốc Sở Y tế Trần Quang Khánh đánh giá dự án này sẽ tạo sự thay đổi tư duy, phương pháp làm việc và tác động thay đổi hành vi của người dân nông thôn. Đồng chí Gíam đốc Sở Y tế đề xuất Cục Qủan lý môi trường Y tế quan tâm xem xét và hỗ trợ tài chính cho dự án, hỗ trợ các hoạt động về theo dõi, giám sát quá trình thực hiện dự án. Tập trung vào truyền thông thay đổi hành vi của người dân và tạo chuỗi cung ứng, cung đi đôi với cầu và hài hòa trong tổng thể.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hai huyện được triển khai dự án là Mai Châu và Kim Bôi tập trung phối hợp cùng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh triển khai tốt dự án được giao. Sở Y tế lên kế hoạch cụ thể cho các chương trình, dự án về VSMTNT nói chung; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo, các đối tượng khác thì tập trung tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, hành vi. Tuyên truyền về VSMTNT phải phối hợp, lồng ghép vào các chương trình tuyên truyền khác, phối hợp với các hội, tổ chức như hội nông dân, hội phụ nữ, đòan thanh niên….để tuyên truyền hiệu quả./.