DetailController

Khoa học - Môi trường

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh

01/08/2023 15:29
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu được giao.
Ra mắt mô hình phân loại rác thải theo quy định

Cụ thể, Dự án “Trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ, sạt lở đất, hạn hán, bảo vệ dân cư các xã huyện Lạc Sơn”, tổng mức đầu tư 377 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2015 – 2023; đến nay, đã hoàn thành 100% khối lượng đã được phê duyệt. Dự án “Trồng, bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi và nâng cấp tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp với đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình)”, tổng mức đầu tư xây dựng 217,8 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 165,747 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 30,359 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 21,694 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2018 – 2022 (đã hoàn thành). Kết quả thực hiện trồng mới rừng 64,4 ha (xã Yên Bồng 23,9ha; xã Khoan Dụ 28,46ha; xã Liên Hòa 12,04ha); bảo vệ rừng tự nhiên 478,86ha (xã Khoan Dụ 101,94ha; xã Liên Hòa 115,46ha; xã Hưng Thi 262,36ha); nâng cấp tuyến đê bao kết hợp đường giao thông 6,818Km nền và mặt đê. Dự án “Phân phối các bếp đun tiết kiệm năng lượng tỉnh tại Hòa Bình”, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Dự án “Cải thiện vệ sinh và nước sạch dự trên kết quả do phụ nữ làm chủ - WOBA”, tổng mức đầu tư 4.711.600.000 đồng. Dự án “Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững”, tổng mức đầu tư 32,1 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, bổ sung vào kế hoạch hàng năm của các lĩnh vực phụ trách để triển khai trong những năm tiếp theo. Tỉnh tập trung tăng cường năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu. Phát huy vai trò chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu  có chú trọng đến các ngành và vùng trọng điểm. Triển khai các phương án và giải pháp, công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách nhằm bảo vệ đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, nước dâng do bão, lũ lụt, xói lở bờ sông hoặc có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; bảo đảm an toàn hồ chứa; đảm bảo an ninh nguồn nước. Quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; trồng, bảo vệ, phục hồi rừng, chú trọng phát triển rừng trồng gỗ lớn. Chống ngập cho các thấp trũng; xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu  củng cố và xây mới các công trình cấp, thoát nước vùng đô thị.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng luôn được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, 100% các huyện, thành phố đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biến đổi khí hậu phòng chống thiên tai, các sự kiện về môi trường; các cơ quan, đơn vị, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh cũng chủ động tổ chức các hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ. 100% cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giáo dục, tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường trong các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo thông qua các hình thức hội diễn văn nghệ, vẽ tranh, học tập trải nghiệm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ trì và phối hợp tổ chức 959 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, chương trình, hoạt động về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với số lượng hàng nghìn người. Thực hiện 13 phóng sự liên quan tới lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mở 11 lớp đào tạo bồi dưỡng về tài nguyên môi trường, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật, bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện hàng trăm bài viết về tài nguyên môi trường; xây dựng và nhân rộng 32 mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như các mô hình: “Mỗi rác thải là một cây xanh”, “Xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, “thôn/xóm kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu”; “phòng chống rác thải nhựa”, "Cộng đồng tôn giáo, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu", “Xây dựng đường hoa, tôn tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu”, “mô hình chợ dân sinh tặng túi đi chợ tái chế”… Tổ chức 05 cuộc giao lưu cấp tỉnh, cấp ngành về chủ đề xây dựng Nông thôn mới, truyền thông sân khấu hoá về BVMT; Tổ chức và tham gia các cuộc thi, liên hoan về bảo vệ môi trường./.