DetailController

Quốc phòng - An ninh

Triển khai công tác Tư pháp năm 2022

21/12/2021 00:00
Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác Tư pháp năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2022. Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, các đồng chí: Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hôi nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 luật, 05 nghị quyết và cho ý kiến đối với 05 dự án luật khác; ban hành theo thẩm quyền 784 VBQPPL. Ở các địa phương, đã ban hành 3.619 VPQPPL cấp tỉnh, 1.891 VBQPPL cấp huyện, 2.588 VBQPPL cấp xã. Bộ Tư pháp đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo…Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, kết luận kiểm tra chính xác, nhiều văn bản trái pháp luật được giải quyết dứt điểm, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Toàn ngành đã tập trung rà soát được 29.955 VBQPPL, kiến nghị xử lý đối với 5.581 văn bản.

Các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành xong 493.971 việc với trên 45 nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được tăng cường. Thể chế pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Năm 2021, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho trên 1 nghìn trường hợp, các luật sư đã thực hiện 69.688 vụ việc. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tử cơ sở. Trong năm, các hòa giải viên đã tiếp nhận 94.463 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80,23%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Tư pháp, pháp chế vẫn còn những hạn chế: kết quả hoạt động một số lĩnh vực giảm so với năm 2020; vẫn còn tình trạng văn bản chậm ban hành; công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa được thường xuyên chặt chẽ..

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những những kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; công tác tư pháp tại các địa phương…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương những kết quả toàn Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Năm 2022, là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao môi trường pháp lý để toàn xã hội sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần giải quyết những khó khăn trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, coi đây là một trong những khâu đột phá trong quá trình đổi mới, tạo môi trường pháp lý phù hợp với thời đại. Phát huy vai trò con người, lấy con người, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, hướng đến mục tiêu phục vụ con người. Công tác thể chế phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, căn cứ vào tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và thực thi của các cấp chính quyền, tranh thủ sự ủng hộ của người dân và các doanh nghiệp, mở ra môi trường đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh của tập thể, nhân dân. Đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ; đầu tư cơ sở vật chất, tài chính. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu ngành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Nâng cao công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị nhằm thực hiện có hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược…/.