DetailController

Quốc phòng - An ninh

Triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025

23/12/2020 00:00
Sáng 23/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tại điểm cầu tỉnh, dự hội nghị có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự với các sở, ngành tiếp tục được chú trọng, tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành Tư pháp, công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, tham mưu kịp thời để góp ý, thẩm định các chính sách, quy định để ứng phó với đại dịch Covid-19. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 28 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 294 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; toàn ngành thẩm định 5.808 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cả nhiệm kỳ, toàn Ngành đã thẩm định 42.000 văn bản. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Năm 2020, toàn Ngành kiểm tra theo thẩm quyền 9.804 văn bản quy phạm pháp luật; qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 234 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Tính cả giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành kiểm tra theo thẩm quyền hơn 40.000 văn bản. Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm. Nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được xã hội hoá mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực.

Định hướng công tác Tư pháp nhiệm kỳ 2021 - 2025, ngành Tư pháp thống nhất cao với 9 nhiệm vụ trọng tâm, 11 nhiệm vụ cụ thể. Phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, hành chính. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Thực hiện tốt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Tư pháp trong năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020. Nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Tư pháp cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Bộ Tư pháp và các sở tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, nuôi con nuôi, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp./.