DetailController

Quốc phòng - An ninh

Triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh 2022

06/01/2022 00:00
Năm 2021 do ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng, đặc biệt có 2 người chết, 5 người bị thương do sạt lở đất, sét đánh; ước giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra gần 39,5 tỷ đồng. Trong năm 2021, công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được chú trọng, đặt lên hàng đầu. UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ”; hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn... góp phần giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương tăng cường công tác cảnh báo những nơi có nguy cơ sạt lở để người dân và phương tiện không qua lại

Năm 2022 được dự báo thiên tai tiếp tục xảy ra nguy hiểm, khó lường. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”.  Các cấp, các ngành tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Kiện toàn và tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp để đảm bảo việc sẵn sàng công tác chỉ đạo, chỉ huy từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết được chủ động, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả nhất là đối với các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh, làm cơ sở cho phát triển bền vững. Lập đề án quản lý rủi ro, thiên tai, cơ sở dữ liệu về thiên tai trên địa bàn tỉnh trên nền tảng kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, dịch vụ công tham gia vào công tác phòng chống thiên tai; tiêu chuẩn, quy chuẩn, chế tài để giám sát các hoạt động của xã hội đảm bảo an toàn trước thiên tai. Ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai; xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai phù hợp… Tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông đưa tin về tình hình thiên tai, hướng dẫn, tuyên truyền cộng đồng chủ động ứng phó, đặc biệt là trong các tình huống thiên tai khẩn được nhanh chóng kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục rà soát, xác định chính xác các khu vực trọng điểm xung yếu; rà soát phân loại và đánh giá mức độ an toàn tất cả các hồ chứa; xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho từng khu vực, từng công trình; có phương án bố trí lực lượng và phân bổ kinh phí cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng địa phương; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác xây dựng các khu tái định cư cho nhân dân vùng thiên tai, đảm bảo nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và tạo nguồn sinh kế bền vững. Tiếp tục lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành mình, đơn vị mình đảm bảo phát triển theo hướng bền vững. Đẩy mạnh việc hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống thiên tai ở cấp cơ sở (cấp xã) theo hướng dẫn của Tổng cục phòng, chống thiên tai. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2022 đảm bảo hiệu quả./.