DetailController

Thời sự trong ngày

Triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023

02/12/2022 00:00
Để chủ động kiểm soát, phòng bệnh, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các loại dịch bệnh trên động vật, ngày 29/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 228/KH-UBND về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Giải pháp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản đó là tiêm vắc xin định kỳ, trên diện rộng. Kim

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu việc tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin các loại (Dại, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục,..) cho đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm tại các địa phương; chú trọng các vùng có nguy cơ cao, dịch cũ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Công tác tiêm phòng vắc xin phải đảm bảo kỹ thuật. Chủ động giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan diện rộng. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y bằng nhiều hình thức.

Kế hoạch gồm 6 nội dung và giải pháp thực hiện, gồm: Phòng, chống dịch bệnh động vật; vệ sinh khử trùng tiêu độc; kiểm dịch vận chuyển động vật; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý người hành nghề thú y và buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và sản xuất con giống vật nuôi; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và thông tin, tuyên truyền.

Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được cụ thể các giải pháp đối với từng bệnh dịch. Trong đó, đối với bệnh Dại sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% trở lên; tiêm phòng 2 đợt chính; Ủy ban nhân dân cấp xã cập nhật, báo cáo định kỳ tối thiểu 2 lần/năm. Đối với bệnh Cúm gia cầm, tổ chức tiêm vắc xin Cúm gia cầm A/H5, đảm bảo đạt tỷ lệ 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; khi có vắc xin sẽ xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho đàn lợn nuôi. Đối với bệnh Lở mồm long móng thực hiện tiêm 2 lần/năm. Ngoài 2 đợt tiêm chính nêu trên, các địa phương chủ động tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh, bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin tối thiểu 80% tổng đàn. Đối với bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò tổ chức tiêm vắc xin đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn; tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng; sử dụng vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục trâu được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm khác, các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý, chính quyền cơ sở tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định, định kỳ 2 năm/lần và đạt tỷ lệ tiêm 80% tổng đàn trở lên. Đối với dịch bệnh thủy sản, áp dụng quy trình kỹ thuật phòng, chống bệnh dịch, như: Cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc; tiến hành giám sát bị động và giám sát chủ động; triển khai các biện pháp chống dịch và xử lý ổ dịch kịp thời.

Dự kiến ngân sách tỉnh để mua vắc xin và thuốc sát trùng là gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, sử dụng ngân sách các huyện, thành phố; kinh phí của doanh nghiệp và chủ sơ sở chăn nuôi.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh đầu mối điều hành, chỉ đạo các hoạt động chống dịch trong toàn tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế và diễn biến của bệnh động vật, tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch đảm bảo có hiệu quả với diễn biến thực tế tại các địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành địa phương và các cơ quan liên quan trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn các huyện, thành phố chú trọng giải pháp sản xuất con giống an toàn sinh học, phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát vật tư, thuốc sát trùng, vắc xin phòng, chống bệnh động vật từ nguồn của tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng vắc xin và sát trùng chuồng trại chăn nuôi. Phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đ i hành vi, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý dịch theo quy định. Rà soát, các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Tổ hướng dẫn xây dựng các chuỗi cơ sở, các vùng, chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Thực hiện công tác truyền thông trong phòng, chống bệnh động vật ở các tuyến, đặc biệt chú trọng tại cấp thôn, xóm, bản. Sử dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng phù hợp với điều kiện của địa phương./.