Trong đó đặt ra yêu cầu từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, chất lượng cung cấp dịch vụ công; thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng kinh tế số trong Ngành để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; phát triển kinh tế nông thôn, thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững.
Trong năm 2022 sẽ triển khai một số nội dung như phát triển chính phủ số, phát triển kinh tế nông nghiệp số, phát triển xã hội nông nghiệp số.
Xây dựng và hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu chính của ngành, kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP của tỉnh nhằm phục vụ khai thác, dự báo, phân tích, đánh giá, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành Nông nghiệp. Xây dựng mới, khai thác các phần mềm/hệ thống thông tin chuyên ngành hiện có, góp phần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành.
Ngoài các sản phẩm OCOP, phấn đấu đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh, sản phẩm đạt chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các Hệ thống thông tin chuyên ngành và đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử.
Hình thành và phát triển xã hội nông nghiệp số; các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, người sản xuất sẵn sàng ứng dụng công nghệ số, từng bước khai thác thông tin ngành nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống xã hội.
Giải pháp trọng tâm, tiếp tục hoàn thiện và khai thác dữ liệu ngành Nông nghiệp; Khai thác hiệu quả các phần mềm, hệ thống thông tin hiện có; Xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số chuyên ngành nhằm khai thác hiệu quả CSDL ngành, góp phần phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong nông nghiệp. Tập trung, xây dựng hệ thống thông tin, quản lý và hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu chính của ngành Nông nghiệp và PTNT, kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP của tỉnh, nền tảng số cho phép dữ liệu được cập nhật liên tục, đồng bộ trong toàn Ngành, hỗ trợ tổng hợp và phân tích dữ liệu kịp thời báo cáo, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định về chính sách, kế hoạch nhanh nhất và hiệu quả cho Ngành. Hệ thống đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác thông qua trục liên thông LGSP của tỉnh và kết hợp với các API dữ liệu ở mức độ đầy đủ, trong đó có các module quản lý các lĩnh vực: Trồng trọt và BVTV; Chăn nuôi & Thú y; Thủy sản; Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; Lâm nghiệp; Thủy lợi; Phát triển nông thôn; Khuyến nông và DVNN; Phòng chống thiên tai và TKCN.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính quyền số trong công tác chỉ đạo điều hành và tác nghiệp của các cơ quan thuộc Ngành nông nghiệp; đẩy mạnh kết nối trao đổi, gửi nhận văn bản hành chính, ký số điện tử thông qua Hệ thống quản lý văn bản điều hành; tăng cường triển khai các cuộc họp, hội thảo trực tuyến; liên thông kết nối chia sẻ dữ liệu đến các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển ngành.
Đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 4 theo quy định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tổ chức cá nhân, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC; đồng thời tiếp tục rà soát các TTHC, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số./.