Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo sâu sát, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với yêu cầu phải thực hiện rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Chất lượng công vụ ngày càng được nâng lên, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, số lượng dự án tăng dần theo từng năm. Năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng. Các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 105 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,9 triệu USD và 80 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13.992,7 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp ước đạt 19.812 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư hiện nay chưa được thu thập, tổng hợp và cập nhật đầy đủ về một cơ quan đầu mối chung; các số liệu, dữ liệu thông tin không đầy đủ, không phù hợp với tình hình thực tiễn đã có nhiều thay đổi, biến động, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như nhu cầu khai thác thông tin của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư khi nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư qua Trung tâm chưa nhiều. Công tác phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư và tổng hợp thông tin về tình hình thực hiện còn nhiều bất cập, thông tin chưa đầy đủ. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...còn chưa đồng bộ, cụ thể. Công tác rà soát, quản lý quy hoạch chưa thực sự chặt chẽ; tình trạng mua bán đất không đúng quy định vẫn còn diễn ra khá phổ biến gây khó khăn khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư thuộc diện tự thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn, liên doanh liên kết….
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh Hòa Bình năm 2023 tập trung thực hiện định hướng chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, góp phần tích cực thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Nghị Quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị; đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2020-2025. Với mục tiêu xây dựng và tạo lập được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; tích cực thực hiện các giải pháp trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, bản đồ số về xúc tiến đầu tư; Sớm hoàn thành các loại quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch, kế hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, danh mục dự án tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh, để làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu Bản đồ số về xúc tiến đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, video clip với nhiều ngôn ngữ khác nhau... nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và phục vụ công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2030. Tỉnh tập trung chỉ đạo, đảm bảo nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tập trung thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư các dự án mới phải bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu cho địa phương với trình độ công nghệ cao, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ ô nhiễm môi trường...Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dự kiến chương trình xúc tiến đầu tư 2023 tỉnh Hòa Bình tập trung vào 08 nội dung chiến lược gồm: Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Trong đó, tập trung thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, khu, cụm công nghiệp và vùng động lực của tỉnh; trong đó, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh; tiếp tục thực hiện định hướng thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghệ ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch... Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Tăng cường, chủ động hợp tác đầu tư, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tư, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế…./.