Mục tiêu của Kế hoạch là áp dụng hài hòa các nguyên tắc của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trồng trọt. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, sẽ chuẩn hóa bộ tài liệu hướng dẫn nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); 100% diện tích canh tác các loại cây trồng chủ lực, cây có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu ở các vùng sản xuất tập trung được ứng dụng IPM, ICM; phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kỹ năng tổ chức và huấn luyện nông dân và hình thành các nhóm nông dân nòng cốt; xây dựng, duy trì và mở rộng các mô hình ứng dụng IPM, ICM.
Kế hoạch đã xây dựng 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, gồm có: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng; xây dựng quy trình và các định mức kinh tế - kỹ thuật; xây dựng mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý dịch hại tổng hợp, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhân rộng áp dụng IPM, ICM trong sản xuất đại trà; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; xây cơ chế chính sách và nguồn kinh phí thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm xây dựng dự toán chi tiết kinh phí cấp tỉnh thực hiện các hoạt động, như: Tuyên truyền, tập huấn, in ấn tài liệu, xây dựng mô hình,... Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả nhiệm vụ theo kế hoạch này. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện theo quy định, báo cáo Ủy ban nhân tỉnh và các Bộ, ngành liên quan theo quy định.
Các Sở, ban, ngành, các hội, Hiệp hội căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để kiểm tra, hướng dẫn, bố trí kinh phí thực hiện; hỗ trợ hoạt động thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ hội viên thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, bảo vệ lợi ích của hội viên trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng liên kết.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hàng năm xây dựng kế hoạch kinh phí cấp huyện thực hiện các nội dung được phân cấp. Tích cực tổ chức phát động phong trào toàn dân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình cấp tỉnh áp dụng IPM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, quản lý sức khỏe đất trên cây trồng. Tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.