Để triển khai thực hiện Kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch,... về phát triển du lịch của Trung ương, của tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công tác dân tộc và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của phát triển du lịch nông thôn bền vững, phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề;...
Tham mưu và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về dân tộc, phấn đấu hoàn thành có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách được giao quản lý gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; gắn phát triển du lịch nông thôn với công tác hỗ trợ gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái tạo điều kiện cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm; tổ chức trưng bày sản phẩm về văn hóa các dân tộc, các trang phục truyền thống tại các ngày Lễ, Hội và Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp,...
Phối hợp tốt với các địa phương hỗ trợ lựa chọn và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng có sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phối hợp hỗ trợ phát triển các điểm du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các làng nghề, trang phục truyền thống, tiêu biểu như nghề rèn của người Mông; nghề thêu, dệt của người Thái, người Mường, người Dao; các chương trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hoá phi vật thể; lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số; ẩm thực dân tộc; phát triển các nghệ nhân; truyền dạy văn hóa văn nghệ; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng;…
Lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, chợ, hệ thống điện,…) để hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm phục vụ du lịch cho lao động nông thôn, cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung vào các nội dung như mở các lớp đào tạo về sản xuất nông nghiệp; nâng cao kiến thức kỹ năng, năng lực cho người lao động về sản xuất nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động;... nhằm thực hiện hỗ trợ cho người dân về phát triển sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương
Phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong công tác vận động người dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm duy trì, giữ gìn và bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số./.