DetailController

Tin từ các đơn vị

Triển khai chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa và định hướng người tiêu dùng

23/04/2021 00:00
Năm 2020, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, thu hút đông đảo sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân. Điều này là tín hiệu tích cực, phản ảnh sự đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách của tỉnh đang triển khai, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu Việt, bình ổn giá cả, bảo đảm an sinh xã hội.
Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, điển hình là cây ăn quả có múi, rau quả hữu cơ, cá sông Đà.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, các cấp chính quyền đã tích cực, chủ động rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng hóa, sản phẩm được sản xuất trong tỉnh. Năm vừa qua, hoạt động bán hàng khuyến mại trong toàn tỉnh diễn ra sôi nổi, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, 30/4, 1/5, 2/9,... Các mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ngân hàng,... Các ngành đã phối hợp tổ chức 25 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tại khắp các huyện. Toàn tỉnh đã tổ chức 10 Hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, số lượng các gian hàng trung bình từ 100 đến 190 gian hàng/hội chợ. Khách tham quan mua sắm tương đối đông, trung bình từ 15 ngàn đến 40 ngàn lượt hội chợ, giá trị trung bình của mỗi hội chợ chiếm khoảng từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2020, tỉnh tổ chức thành công Hội chợ Công nghiệp và Nông sản Tây Bắc với quy mô 250 gian hàng, với tổng trị giá hàng bán tại hội chợ khoảng 9 - 12 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh quán triệt nghiêm túc việc mua sắm công từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, chú trọng ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, thiết bị,… có xuất xứ từ trong nước đảm bảo an toàn vệ sinh, môi trường và tiết kiệm cho nguồn ngân sách. Các sản phẩm, hàng hoá hiện nay đã được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, điển hình là cây ăn quả có múi, rau quả hữu cơ, cá sông đà; mở rộng các hình thức liên kết sản xuất. Năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai 1 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản thịt dê tại huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy. Đồng thời, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt vụ Đông xuân 2019-2020, như: mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ của hợp tác xã trong sản xuất tinh dầu xả tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi); mô hình liên kết sản xuất đậu cove theo tiêu chuẩn VietGAP vụ Đông Xuân 2019-2020 của hợp tác xã Nông nghiệp xanh tại các xã Đú Sáng (Kim Bôi); mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bí đỏ, rau đậu các loại theo tiêu chuẩn VietGAP tại hợp tác xã rau an toàn Cư Yên (Lương Sơn),... Tạo đà để tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cao, phát triển thị trường,ổn định thu nhập cho người dân.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh được triển khai liên tục, đến nay đã cơ bản kiểm soát được thị trường. Hội bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng đã tổ chức 1lớp tập huấn phổ biến pháp luật về Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng cho 91 lượt người; phối hợp Cục quản lý thị trường tổ chức tư vấn và tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng trong việc nhận biết, phát hiện, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trực tiếp tại 6 phiên chợ. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân dân khi  lựa chọn các sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tạo sự đồng thuận trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay. Việc đẩy mạnh Cuộc vận động, cũng như triển khai nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường lành mạnh cho thị trường nội địa. Qua đó, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng nội có chất lượng, giá thành hợp lý./.