Kế hoạch nhằm đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2030, 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% trường học, trạm y tế, hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý và 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2045, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện 10 giải cụ thể, gồm: Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền; cấp nước sạch tập trung nông thôn; cấp nước quy mô hộ gia đình; cấp nước an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn; vệ sinh nông thôn tại các hộ gia đình, khu vực công cộng, thu gom xử lý nước tải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tập trung huy động nguồn lực đầu tư.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giám sát các địa phương, đơn vị thực hiện Kế hoạch đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và trách nhiệm của địa phương. Chủ trì tham mưu đề xuất triển khai xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn tập trung và vệ sinh môi trường nông thôn. Rà soát các công trình hiện có không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả đề xuất các phương án xử lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung theo đúng quy định. Tăng cường công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để thực hiện trên địa bàn quản lý; chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước, xả chất thải, nước thải không đúng quy định./.