DetailController

Khoa học - Môi trường

Triển khai chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

25/04/2023 16:47
Sáng ngày 25/4, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: “Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”. Đồng chí Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hoà Bình có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Phát biểu khai mạc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN đều nhấn mạnh vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo trong phát triển của ngành nông nghiệp. Theo đó, việc ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy cơ giới hoá nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển; hoàn thiện canh tác bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Trong giai đoạn 2013 – 2020, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,65%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng gần 1,3 lần, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản tăng gần 1,5 lần. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90%  năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Cùng với đó, có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất, trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% trong giai đoạn 2021 - 2025 và tăng 35% giai đoạn 2026 - 2030.

Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50 - 100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% năm 2025 và chiếm 85% năm 2030.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về việc huy động nguồn lực đầu tư khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức nông nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản; có chính sách hỗ trợ đầu tư hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách ưu tiên về việc nghiên cứu ứng dụng giống cây trồng... 

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng, quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian qua. Để cụ thể hóa chiến lược, các đơn vị trực thuộc cũng như các viện, trường, đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ và cụ thể hóa bằng hành động trong lĩnh vực quản lý.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực nông nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, trình độ chuyên môn phù hợp theo các nấc thang tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"; phát triển nghiên cứu các giống cây, con mới; nghiên cứu các giải pháp phát triển thị trường khoa học công nghệ; thành lập các trung tâm dịch vụ ở các địa phương; ưu tiên lĩnh vực trong nền tảng công nghệ số.

Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân, về sứ mệnh, vị trí, vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới tư duy để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành./.