DetailController

Khoa học - Môi trường

Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

10/10/2019 00:00
Ngày 10/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi tổ chức Họp đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp, tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và đại diện chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xảy ra tại xã Hợp Thanh và xã Thanh Lương của huyện Lương Sơn từ ngày 05 - 08/3/2019, có tổng số lợn ốm, chết và tiêu huỷ là 57 con, với 2.119 kg; từ đầu tháng 5 đến ngày 07/10/2019, 11/11 huyện, thành phố đã có bệnh Dịch tả lợn châu Phi; 128/210 xã, phường, thị trấn có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; 73/128 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch bệnh; sau đó, đã có 22 xã, phường, thị trấn tái mắc dịch bệnh; tổng số lợn bị tiêu huỷ toàn tỉnh là 12.226 con, thiệt hại ước tính trên 30 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có huyện Kỳ Sơn và Kim Bôi được đưa ra khỏi danh sách các huyện bị Dịch tả lợn Châu Phi. 

Tại cuộc họp, đại biểu các sở, ngành và các chủ trang trại đã thảo luận, nêu ra một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở các địa phương, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao; chính quyền địa phương một số nơi còn chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh; công tác kiểm soát giết mổ chưa triệt để,…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương đối với công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh để nghị, trong thời gian tới, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quền đối với công tác phòng, chống dịch bệnh; chính quyền cơ sở, các đơn vị liên quan chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; huy động nguồn lực tại chỗ, quán triệt công tác chống dịch với phương châm “Phòng, chống dịch như chống giặc”; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho người dân biết và chủ động phòng, chống, tránh gây hoang mang và tẩy chay sản phẩm từ lợn; tăng cường kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch  để làm giống nuôi, nuôi thương phẩm hoặc giết mổ tại địa bàn quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; xử lý triệt để khi xảy ra ổ dịch; tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác chuyên môn cho các hộ chăn nuôi, đặc biệt là các trang trại. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, đảm bảo an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường./.