Tình hình dự báo trên phù hợp để bố trí tăng diện tích và đẩy sớm tiến độ sản xuất cây trồng vụ Đông ưa ấm như ngô, ngô sinh khối, cây họ đậu, ớt....đồng thời nguồn nước phục vụ cho gieo trồng cây vụ Đông được đảm bảo tuy nhiên sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ. Việc tích nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh tiếp tục thiếu hụt, gây khó khăn cho lấy nước phục vụ tưới dưỡng cây vụ Đông và chuẩn bị nước phục vụ gieo trồng vụ Xuân 2024.
Căn cứ tình hình trên, Ngành Nông nghiệp định hướng để đảm bảo công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Đông 2023 đúng kế hoạch, cần chỉ đạo chặt chẽ, rà soát cụ thể diện tích trà lúa mùa sớm đảm bảo thu hoạch trước 05/10 để bố trí trồng nhóm cây vụ đông ưa ấm (ngô, khai lang, đậu tương, lạc). Những diện tích lúa trà muộn, tập trung trồng các cây rau ăn lá, các cây trồng ưa lạnh... Chỉ đạo, tuyên tuyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất bình thường trên những diện tích đất chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện các dự án để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt các chỉ tiêu tăng trưởng Ngành. Đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa kết hợp với quy hoạch sản xuất, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn trong những tháng cuối năm, tạo tiền đề xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Tăng cường kết nối doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ, chế biến khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngay trong vụ Đông 2023 để làm tiền đề mở rộng, phát triển diện tích trong những vụ tiếp theo…
Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông 2023, phấn đấu gieo trồng khoảng 9,48 nghìn ha cây vụ đông, tập trung vào một số cây chủ yếu: Ngô khoảng 4,0 nghìn ha tập trung tại các huyện: Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy) bao gồm cả ngô sinh khối trồng dùng để chăn nuôi. Trong đó tiếp tục duy trì từ 2.000 – 2.500 ha diện tích trên đất 2 lúa; đất đang trong giai đoạn luân canh cây trồng để tái canh cây có múi. Sử dụng giống ngô lai có thời gian sinh trưởng ngắn và ngô nếp, ngô ngọt có năng suất và phẩm chất cao, có liên kết tiêu thụ ổn định. Đẩy mạnh trồng ngô sinh khối tại các huyện: Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc. Khoai lang khoảng 1,17 nghìn ha, rau đậu các loại 3,8 nghìn ha. (tập trung tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, TP Hòa Bình), trong đó tập trung vào một cố loại rau có thế mạnh như các loại rau họ thập; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; tăng diện tích các loại rau bản địa như tỏi tía, cải mèo...
Tăng cường kết nối, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Một số chuỗi liên kết sản xuất dự kiến và tiếp tục được triển khai trong trong vụ Đông 2023 gồm: Chuỗi sản xuất ngô sinh khối tại các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Thủy; chuỗi sản xuất ớt, chanh leo phục vụ thị trường xuất khẩu tại các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy, Kim Bôi; chuỗi sản xuất rau an toàn (bí xanh, dưa chuột), rau hữu cơ tại huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Thành phố Hòa Bình.
Do đó, một số giải pháp kỹ thuật được áp dụng như: Bố trí đất và làm đất nhanh, đảm bảo kỹ thuật, tạo điều kiện để đưa cây vụ Đông vào sản xuất trong khung thời vụ, đặc biệt là việc chủ động tiêu nước trong điều kiện mưa lớn thường xảy ra đầu vụ. Tập trung gieo trồng đúng thời vụ và cơ cấu giống: Với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng cơ bản kết thúc trước 10/10, cây ngô và đậu tương kết thúc trước 5/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 20/11. Bố trí rải vụ rau phù hợp để đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu đẩy giá lên cao….Trà sớm gieo trồng ngô trước 25/9 trên đất chuyên màu, đất bãi ven sông; trà muộn gieo trước 5/10, trên đất 2 lúa. Đối với cây dưa chuột, bí đỏ (lấy ngọn, quả bao tử), bí xanh trà sớm vụ Đông: Cần áp dụng kỹ thuật làm bầu và chăm sóc cây con tốt. Hướng dẫn nông dân sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP. Đối với nhóm cây ưa lạnh: Khoai tây: Thời vụ trồng tập trung từ 25/10 – 20/11, không nên trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp, âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, tích lũy về củ mạnh, ảnh hưởng đến năng suất. Kết hợp sử dụng vôi bột bón lót cùng với phân hữu cơ. Rau ăn lá các loại: Tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, hướng dẫn nông dân trồng rải vụ để tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ làm rớt giá giảm hiệu quả kinh tế.
Theo đánh giá sản lượng một số nông sản thu hoạch cuối năm 2023, đầu năm 2024, ngoài sản lượng của các sản phẩm sản xuất vụ Đông, những tháng cuối năm là thời gian thu hoạch một số cây trồng chủ lực của tỉnh với sản lượng lớn như: Cây có múi (cam, quýt, bưởi), mía, chuối, sắn, dong riềng... Các sản phẩm này đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ ổn định. Một số sản phẩm như sắn, dong riềng được các công ty liên kết với người nông dân sản xuất và tiêu thụ phục vụ chế biến tinh bột. Do đó, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát cụ thể diện tích, sản lượng nông sản chủ lực, có tính cạnh tranh; rà soát những diện tích đã được cấp mã số vùng trồng, được cấp chứng nhận VietGAP/GlobalGAP/ATTP, tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn để có cơ sở xây dựng kết nối, tiêu thụ phù hợp. Các Sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ các vùng sản xuất trọng điểm, các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác để tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt các đối tác xuất khẩu nông sản; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiến thức, quy trình trồng, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Vận động, khuyến khích người sản xuất tham gia chuỗi liên kết hoặc các tổ, nhóm sản xuất để tạo sản phẩm đồng nhất về chủng loại và chất lượng. Xây dựng kênh thông tin truyền thông, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, sản phẩm chứng nhận OCOP giúp tiếp cận nhiều hơn tới người tiêu dùng. Xây dựng đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho nông sản trên các nền tảng trực tiếp và trực tuyến, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản, giảm sức ép của thị trường, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu./.