Nhìn chung dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu theo hướng tăng dần tính khả thi của luật để khắc phục những hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành vào năm 2005. Tuy nhiên các nội dung trong luật còn chưa thể hiện rõ nét và cụ thể vai trò của các cơ quan dân cử trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, hiện chỉ được quy định tại Điều 76 và Điều 87 thông qua hoạt động giám sát. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cần cân nhắc bổ sung thêm các quy định cụ thể đối với những cơ quan này trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tiếp theo, luật nên bổ sung thêm việc cần thiết xây dựng một hệ thống chỉ tiêu đánh giá xã hội về tình trạng tham nhũng, các chỉ tiêu này có thể phân ra cho các bộ, ngành, các khu vực kinh tế, có chỉ tiêu như vậy mới đánh giá được khả năng điều hành và chống tham nhũng của các cơ quan công quyền và của hệ thống Chính phủ. Không có các chỉ tiêu này thì tình trạng tham nhũng ở mức độ nào là không thể đánh giá được. Sau đây là một số góp ý cụ thể của tôi về một số điều luật liên quan.
Thứ nhất, về cụm từ dấu hiệu tham nhũng xuất hiện nhiều lần trong các điều khoản của luật, đặc biệt tại Điều 66 còn quy định đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn có dấu hiệu tham nhũng sẽ bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ cho công tác xác minh thanh tra. Tuy nhiên theo tôi đây là một dấu hiệu rất mơ hồ, như thế nào là dấu hiệu tham nhũng, là chưa được quy định rõ ràng trong luật nên rất khó khả thi áp dụng mà quan trọng hơn nó là những khởi đầu của quá trình xem xét hiện tượng tham nhũng. Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 2 phần giải thích từ ngữ thêm Khoản 7 để giải thích cụm từ thế nào là dấu hiệu tham nhũng.
Thứ hai, trong Điều 3 quy định cụ thể về các hành vi tham nhũng, tôi xin đề nghị bổ sung thêm hành vi ban hành hoặc tham mưu ban hành những văn bản pháp luật có mục đích vụ lợi thì cũng là hành vi tham nhũng vì những lý do cụ thể sau:
Ngày 07/11 Quốc hội đã thảo luận về chủ đề các sai phạm trong giải quyết khiếu kiện đất đai trong các quyết định hành chính và đều nhận thấy các hệ thống văn bản pháp luật quy định về vấn đề này đã quá nhiều, đặc biệt là các văn bản dưới luật do chủ thể hành pháp ban hành lên tới hàng trăm văn bản, trong đó có những trường hợp cá biệt các văn bản sau có nội dung trái ngược với văn bản trước và có những dấu hiệu của một số văn bản ban hành phục vụ những lợi ích nhóm hay cục bộ. Việc ban hành các văn bản pháp luật dưới luật, giải thích các văn bản pháp luật và hướng dẫn thi hành pháp luật là cần thiết nhưng cần đề phòng trường hợp lạm dụng chức năng này để hợp lý hóa những hành vi vụ lợi. Trên thực tế theo Điều 91 của Hiến pháp hiện hành chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có chức năng giải thích pháp luật, còn các chủ thể hành pháp chỉ được thực hiện chức năng giải thích pháp luật khi được Quốc hội ủy quyền nên nếu không giám sát chặt thì sẽ dẫn đến lạm quyền trong việc giải thích pháp luật này.
Tiếp theo, Điều 4 nguyên tắc xử lý tham nhũng. Theo tôi quy định như trong dự thảo về nguyên tắc xử lý tham nhũng là mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Quy định này còn mang tính kêu gọi và khẩu hiệu mà chưa mang tính khả thi cao, vì trên thực tế ta không bao giờ làm được điều này, không một quốc gia nào hay một tổ chức nào trên thế giới có thể làm được điều này. Thậm chí trong một vài trường hợp nhạy cảm việc xác định có tham nhũng hay không có tham nhũng còn rất khó. Vì vậy, tôi đề nghị sửa lại Khoản 1 Điều 4 này để mang tính khả thi hơn, đó là "Mọi hành vi tham nhũng nếu được phát hiện đều phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh".
Về vấn đề công khai, Điều 12, Khoản 1 có quy định các hình thức công khai theo tôi tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 của điều này cho phép cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai quy định tại Khoản 1. Từ Điều 13 đến Điều 34 đều có quy định hết sức chi tiết về các nội dung cần công khai, minh bạch trong 22 lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến lĩnh vực tư pháp. Các hình thức công khai thì tùy tổ chức, cá nhân lựa chọn quy định tại Điều 12. Tôi chưa hoàn toàn nhất trí với các quy định như trên. Ví dụ, tại Điều 16 quy định nội dung công khai minh bạch việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức công khai lên trang thông tin điện tử thì hình thức này hoàn toàn không phù hợp với đông đảo quần chúng nhân dân vì không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với Internet, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hình thức phù hợp nhất trong trường hợp này là niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát thanh tại khu dân cư. Tôi xin đề nghị quy định trực tiếp trong luật những hình thức công khai bắt buộc phù hợp nhất với từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra các chủ thể có thể lựa chọn thêm các hình thức công khai khác.
Tại Điều 42 có quy định về nghĩa vụ báo cáo và xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng. Tại Khoản 2 quy định chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về dấu hiệu tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Theo tôi quy định như vậy chưa chặt chẽ dẫn đến tạo khe hở lách luật vì làm thế nào để xác định được ngày nhận được báo cáo. Nếu trường hợp người nhận được báo cáo muốn bao che cho người tham nhũng thì càng khó xác định. Trên thực tế có nhiều đơn thư tố cáo tham nhũng không được xử lý hoặc không đến được nơi cần xử lý.
Về vấn đề kê khai tài sản và nghĩa vụ giải trình trong luật quy định nghĩa vụ giải trình đối với nguồn gốc tài sản tăng thêm mà chưa quy định nghĩa vụ giải thích đối với khối tài sản hiện có là chưa hợp lý. Tôi đồng tình với phân tích của đại biểu Thường ở Thái Bình và đại biểu Châu ở Quảng Trị về vấn đề này và yêu cầu ban Soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung thêm nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản hiện có nhưng có giá trị lớn hoặc rất lớn. Lớn là bao nhiêu, rất lớn là bao nhiêu sẽ do Chính phủ quy định hay có dấu hiệu bất thường. Đồng thời với phân tích này là yêu cầu cần bổ sung thêm vào Điều 64 quy định về việc xử lý người không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm hoặc những tài sản ban đầu hiện có có giá trị lớn.Vấn đề xác minh tài sản, thu nhập được quy định tại Điều 54. Trong đó việc xác minh tài sản chỉ được thực hiện trong 4 trường hợp cụ thể, theo tôi là đúng nhưng chưa đủ vì những lý do sau.
Điều này sẽ dẫn đến bỏ sót những đối tượng có hành vi tham nhũng không nằm trong 4 trường hợp này. Tôi đề xuất một ý kiến, kính mong Ban soạn thảo cân nhắc. Nên áp dụng hình thức kiểm tra xác suất và áp dụng cơ chế rủi ro như trong lĩnh vực quản lý thuế. Các doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế và cơ quan quản lý thuế sẽ áp dụng hình thức hậu kiểm và cơ chế quản lý rủi ro để kiểm tra. Điều này sẽ tránh việc kê khai sai tài sản mà không được xác minh một cách cụ thể.