Góp ý vào dự thảo Luật hộ tịch, cơ bản các ý kiến nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật hộ tịch, các đại biểu cho rằng, đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, nhằm tạo cơ sở pháp lý để nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học.
Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch: Tại khoản 2, Điều 5 quy định “Uỷ ban nhân dân cấp huyện đăng ký việc khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi, khai tử có yếu tố nước ngoài” Việc giao thẩm quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, điều này làm cho một số đại biểu băn khoăn, lo lắng. Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và cân nhắ kỹ nội dung này. Bởi thực tế đội ngũ cán bộ tư pháp ở một số nơi trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay.
- Về quy định cơ sở dữ liệu điện tử đã được nhiều đại biểu đồng tình, bởi lẽ: Dự thảo luật quy định cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng nhằm lưu trữ, quản lý, tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, được kết nối, tích hợp để cung cấp thông tin hộ tịch đầu vào cho cơ sở quốc gia về dân cư, phục vụ, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến.
- Về cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch: Hiện nay, tùy từng địa phương có nơi có 01 đến 02 cán bộ làm công tác tư pháp - hộ tịch, số lượng cán bộ không thống nhất tùy thuộc vào từng nơi. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể số lượng cán bộ tư pháp - hộ tịch trong Luật nhằm đảm bảo việc thực hiện được thống nhất.
Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, Luật hộ tịch là luật gốc, là nguồn cho Luật căn cước công dân. Việc thực hiện đăng ký hộ tịch cho mỗi con người ngay từ khi sinh ra là hoàn toàn phù hợp. Dự thảo Luật quy định cơ quan có trách nhiệm đăng ký khai sinh là Ủy ban nhân dân, do cán bộ tư pháp - hộ tịch thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị, cần phải rà soát tổng thể các quy định để có các thông tin kết nối, tránh sự trùng lặp giữa các điều Luật dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, cần tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đề nghị soát và loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện việc đăng ký hộ tịch. Quá trình xây dựng Luật cần phải nghiên cứu kỹ các quy định, để giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà trong nhân dân.
Gop ý vào Dự thảo Luật căn cước công dân, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng: Việc cấp, sử dụng thông tin căn cước công dân cần được quy định chặt chẽ đảm bảo theo nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm. Về thời điểm cấp căn cước công dân có thể thực hiện ngay từ khi công dân đó sinh ra. Cần quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về phí và lệ phí cấp, cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước của công dân. Không nên thu phí, lệ phí đối với nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi tham gia các giao dịch cũng như thực hiện các quyền lợi của mình./.