DetailController

Thời sự trong ngày

Trên 115 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2025

10/03/2022 00:00
Ngày 28/2/2022, Ban chỉ đạo Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 01 về thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Hòa Bình về “Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án trong giai đoạn này là trên 115 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể trong đó dự kiến vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý khoảng trên 20 nghìn tỷ; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên 6.900 tỷ; vốn ngân sách nhà nước do cấp huyện, thành phố quản lý trên 8.900 tỷ; vốn ngân sách nhà nước do cấp Trung ương quản lý trên 3.900 tỷ; vốn huy động xã hội, ngoài ngân sách nhà nước trên 75.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT- cơ quan thường trực Đề án 02-ĐA/TU chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý để phát triển của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi; Hướng dẫn và giám sát, kiểm tra các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch.

Tham mưu tăng cường phân cấp và nâng cao năng lực quản lý đầu tư đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư; Nâng cao chất lượng đánh giá, dự báo hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư công; Không đầu tư các dự án có hiệu quả kinh tế thấp, tác động không lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác vận động, thu hút và tăng cường giám sát, đánh giá, điều phối quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn viện trợ phi Chính phủ để phát triển kết cấu hạ tầng lớn, ưu tiên bố trí vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án. Hướng dẫn các Sở, ban, ngành xây dựng danh mục và nội dung các chương trình sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và các nguồn viện trợ phi Chính phủ.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tăng cường, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có năng lực cạnh tranh cao nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI của tỉnh đạt top 30 của cả nước; Khuyến khích các hình thức đầu tư PPP và xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện các phần việc được phân công thực hiện Đề án./.