Lịch học quá dày
Cách đây 5 năm ( năm 2007), Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định số 03 ngày 31/1/2007 về việc dạy thêm, học thêm. Phần nguyên tắc thực hiện dạy thêm, học thêm ghi rõ: nội dung, phương pháp dạy và học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm, sinh lý của người học. Không gây nên tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học. Đối với các trường học dạy 2 buổi/ngày, nhà trường và giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh. Đặc biệt là không dạy thêm cho học sinh bậc tiểu học ( trừ các trường hợp nhận quản lý ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, TD-TT, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép). Tuy nhiên, quy định này đã không được thực hiện nghiêm túc mà nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu cho con học thêm của các bậc phụ huynh. Vì lo lắng cho con, một phần cũng vì công việc bận rộn không có thời gian kèm cặp con ở nhà nên các bậc phụ huynh đua nhau tìm đến nhà cô để con học thêm ngoài giờ. Học sinh có nhu cầu, hơn nữa lại là những lời đề nghị khẩn thiết và sự tín nhiệm từ các bậc phụ huynh thì các thầy, cô giáo cũng không nỡ chối từ. Vậy là những lớp học theo từng ca, kíp vào buổi chiều, hoặc tối cứ lần lượt bung ra ở nhà riêng của các thầy cô giáo. Như vậy, các cô, cậu trò nhỏ, ngoài giờ học chính khóa ở lớp còn được bố mẹ đưa đến nhà cô để “ bồi dưỡng” kiến thức từ 2 môn học trở lên trong một ngày.
Chị Hải, trú tại phường Phương Lâm (TPHB) có cô con gái nhỏ năm nay bước vào lớp 1. Sinh nhật của cháu đúng vào mùa tựu trường nên chị muốn tổ chức cho con một bữa tiệc vui vẻ có đông đủ các thành viên trong gia đình và bạn bè trong cùng khu phố. Buổi sáng đi làm gặp chị Ngọc, hàng xóm chị cất lời xin phép: tối nay cho cháu Bình sang sinh nhật bé Linh nhé! Chị Ngọc tươi cười nhận lời và hứa khoảng 8 giờ sẽ cho cháu sang. Hứa vậy nhưng 8 giờ rồi đến 9 giờ trôi qua mọi người chờ không thấy tăm hơi mẹ con chị Ngọc đâu cả. Sáng sớm hôm sau gặp lại nhau chị Ngọc giữ gương mặt đăm đăm giải trình với chị Hải: Tức chết đi được, thằng cu nhà này đã dốt lại còn lười như con bò ấy. Dạo này vừa bước vào năm học mới nên cô chưa dạy thêm. Tối qua bảo nó học sớm đi để mẹ cho đi sinh nhật em Linh nhưng dốt quá, học mãi không xong, tôi cho nó mấy cái bạt tai và nghỉ ở nhà luôn không đi đâu nữa- chị thông cảm nhé! Là hàng xóm thân thiết, chị Hải hiểu rõ hoàn cảnh cũng như nề nếp sinh hoạt của gia đình chị Ngọc: 2 vợ chồng đều là công nhân, hàng ngày phải lao động vất vả, chưa kể những ngày vợ hoặc chồng phải đi làm ca đêm mà đồng lương lại bèo bọt. Kỳ vọng con trai học hành giỏi giang nhưng cả 2 vợ chồng chị đều không có thời gian để kèm cặp, dạy dỗ, vì vậy, việc học của con được giao khoán cho cô giáo. Hàng ngày, ngoài giờ học chính khóa ở trường, chỉ trừ một khoảng thời gian ngắn lúc chiều muộn, còn lại đã được xếp lịch học kín mít, cu Bình chỉ biết răm răp thực hiện theo với thái độ mệt mỏi, thờ ơ, cõng cặp sách đến nhà cô học mà không biết ghi nhớ được bao nhiêu kiến thức vào đầu.
và những chiếc cặp sách quá nặng
Con gái chị Lan năm nay bước vào lớp l. Muốn cho con có nền tảng kiến thức ngay từ ban đầu nên chị Lan "đầu tư" cho việc học của con khá kỹ lưỡng. Kỹ từ việc lựa chọn sách vở, đồ dùng học tập cho con. Đầu năm đi mua sách, vở, đồ dùng học tập cho con, chị tần ngần trước đống sách tham khảo không biết nên và không nên chọn những cuốn sách nào. Cuối cùng chị cũng vơ về tới 7- 8 quyển sách tham khảo phụ trợ cho 2 môn học toán và tiếng Việt lớp 1. Chọn cặp sách cho con, chị cũng lựa hàng vừa ý về kiểu dáng, chất liệu, kích cỡ… sao cho đựng đủ số sách vở, đồ dùng học tập và thậm chí cả bánh, sữa để con ăn giữa giờ. Thay vì chiếc cặp sách học sinh kiểu truyền thống, chị mua cho con chiếc cặp kiểu mới có quai xách và cả tay kéo để đỡ nặng. Khi đến trường chị sắp xếp cho con đầy đủ những thứ cần thiết từ SGK, vở, đồ dùng học tập và cả một vài quyển sách tham khảo nữa khiến chiếc cặp sách của cháu Trang, con gái chị có trọng lượng lên tới 3- 4 kg. Tình trạng học sinh tiểu học phải đeo chiếc cặp sách quá nặng đã được nhắc đến nhiều nhưng hầu như chưa được khắc phục. Chỉ cần đứng ở cổng trường 5-7 phút, trước giờ vào lớp hoặc giờ tan trường ở bất cứ trường tiểu học nào trên địa bàn TPHB cũng có thể bắt gặp được hình ảnh phần lớn các cô, cậu trò nhỏ bước đi xiêu vẹo, ì ạch vì phải vừa xách, vừa kéo chiếc cặp sách quá khổ của mình.
Đừng để trẻ quá tải… vì sự học
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học- Sở GD&ĐT có chung một nhận định: ở chốn thành thị, trẻ em luôn bị quá tải vì chuyện học. Theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh, đến năm học 2010-2011, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đều đã tổ chức học 2 buổi/ngày, chỉ còn một số trường như: trường tiểu học Thái Thịnh… là chưa tổ chức được. Với những đơn vị đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể: giáo viên không giao bài tập về nhà để học sinh có thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động giáo dục nhân cách cho trẻ. Hướng dẫn này là để đảm bảo cho trẻ em có đủ thời gian, điều kiện để “học mà chơi, chơi mà học”, vì đây là điều thực sự cần thiết đối với trẻ em từ 6-11 tuổi. Thế nhưng, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn tìm mọi cách để nhờ cô giáo dạy thêm, khiến việc học của các em trở nên quá tải.
Bàn về chuyện “loạn” sách tham khảo, ông Ngọc cho biết: Đã từ nhiều năm nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các loại sách tham khảo và những phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả cũng không ngại ngần việc mua thêm cho con một vài cuốn cho mỗi môn học. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các em học sinh bậc tiểu học phải mang trên mình chiếc cặp sách quá khổ so với trọng lượng của cơ thể. Bộ GD&ĐT đã quy định chuẩn kiến thức cho học sinh trong các quyển SGK: lớp 1,2,3 gồm có 6 quyển và lớp 4,5 là 9 quyển. Ngoài phần kiến thức trong SGK, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn cho các trường bổ sung 2 cuốn sách tham khảo là “Toán tuổi thơ” và “Văn tuổi trẻ” tại các thư viện của nhà trường. Nếu muốn mua thêm sách tham khảo cho con em mình phụ huynh nên chọn những cuốn sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, phát hành, tránh ôm đồm quá nhiều gây lãng phí, quá tải cho bổ sung kiến thức đối với học sinh. Điều mà các nhà quản lý và chuyên môn của ngành giáo dục muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh là: Đừng để con em mình sớm phải “còng lưng” vì sự học.