DetailController

Giáo dục

Trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học

08/12/2010 00:00
Sáng 6- 12, Hội thảo quốc gia về giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học khai mạc tại Hà Nội. Trong hai ngày 6 và 7- 12, 150 đại biểu đến từ 29 tỉnh, thành phố và một số chuyên gia quốc tế sẽ trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện các quy trình dạy và học mỹ thuật tương tác và lấy người học làm trung tâm.
Các tác phẩm của học sinh tiểu học Hoà Bình.

Hội thảo quốc gia sẽ tổng kết 5 năm (2006- 2010) triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học- một trong bảy hợp phần của Chương trình hợp tác phát triển văn hóa Việt Nam- Đan Mạch. Dự án đã thành lập được nhóm nòng cốt để xây dựng nên các phương pháp sư phạm và các tài liệu giảng dạy mỹ thuật cấp tiểu học với các đặc trưng: lấy người học làm trung tâm; khuyến khích sự tương tác; kích thích tư duy sáng tạo; kích thích phát triển nhận thức thông qua hoạt động thực tế.

Ban quản lý dự án cũng đã chọn giới thiệu thí điểm các tài liệu, phương pháp giảng dạy mới tới giáo viên tiểu học và giảng viên các trường cao đẳng tại sáu tỉnh gồm: Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Ban tổ chức Hội thảo chia đại biểu thành các nhóm từ 10- 12 người gồm đại biểu từ các tỉnh thí điểm tham gia dự án và đại biểu mới để mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ, trao đổi về các báo cáo, tham luận trình bày tại hội thảo. Qua việc trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, những điểm cần cải thiện, hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp cải thiện hoạt động trong 5 năm tiếp theo của dự án.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam ông John Nielsen cho biết, Đan Mạch sẽ tài trợ 3,9 triệu đô- la cho giai đoạn tới của Dự án.

* Từ năm 2006, Dự án hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cấp tiểu học đã đưa vào phương pháp lấy học sinh làm trung tâm để tạo không gian cho những ý tưởng sáng tạo của trẻ em tại Việt Nam. Phương pháp này khuyến khích tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức cho trẻ, khiến trẻ tích cực tham gia giờ học mỹ thuật, qua đó phát triển khả năng thẩm mỹ và khuyến khích niềm yêu thích cái đẹp.