DetailController

Chính trị

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực tài nguyên – môi trường

27/07/2023 15:30
1. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét sớm giải quyết dứt điểm việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 17 lô đất tại khu Bai Đát, khu phố Tây Bắc, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy và một số lô tại khu Đống Đang, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy (Cử tri huyện Yên Thủy)

Trả lời:

          * Khu đất Bai Đát, xóm Dom, xã Yên Lạc (nay là khu phố Tây Bắc, Thị trấn Hàng trạm, huyện Yên Thủy:

          - Năm 2001, trên cơ sở nhu cầu sử dụng đất ở của các hộ dân xóm Dom, UBND xã Yên Lạc đã có Tờ trình về việc xin cấp đất làm nhà ở cho các hộ dân tại khu đất Bai Đát, xóm Dom, xã Yên Lạc. Ngày 28/02/2003, UBND huyện Yên Thủy đã ban hành 03 Quyết định về việc giao đất ở cho 58 hộ gia đình tại khu đất Bai Đát, xóm Dom, xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy.

          - Năm 2006, do có đơn tố cáo của công dân đối với một số cán bộ, chính quyền cấp xã, cấp huyện có sai phạm trong việc giao đất ở tại khu Bai Đát, xóm Dom, xã Yên Lạc (nay là khu phố Tây Bắc, thị trấn Hàng trạm); Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã xác minh và xác định có sai phạm trong việc giao đất ở tại khu đất Bai Đát, xóm Dom, xã Yên Lạc, huyện Yên Thủy, cụ thể có 11 lô đất giao đất không đúng đối tượng, tiêu chuẩn; 21 lô đất đã mua bán chuyển nhượng khi người được giao đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Ngày 30/5/2008, UBND huyện Yên Thủy đã ban hành 32 quyết định thu hồi đất cấp sai quy định, với tổng diện tích đất thu hồi là 3.800m2. Tuy nhiên tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, UBND huyện Yên Thủy chưa ban hành quyết định hoàn trả lại số tiền sử dụng đất các hộ đã nộp ngân sách nhà nước. Do quá trình thực hiện gặp khó khăn về quy định, quy trình, thời hiệu hoàn trả, cũng như bố trí tiền để hoàn trả cho các hộ.

* Đối với khu đất Đống Đang, xã Lạc Thịnh:

- Năm 2002, UBND huyện Yên Thủy ban hành 02 Quyết định về việc giao đất cho 19 hộ gia đình, cá nhân với diện tích 400m2/hộ tại khu đất Đồng Đang, xã Lạc Thịnh, 19 hộ đã nộp đầy đủ số tiền đất vào Ngân sách nhà nước, với số tiền 6.400.000 đồng/hộ.

- Năm 2006, Thanh tra tỉnh Hòa Bình thực hiện giải quyết tố cáo của công dân, xác định các lô đất đã cấp GCNQSDĐ cho 19 hộ có sai phạm trong việc giao đất khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã Lạc Thịnh chưa được phê duyệt nhưng UBND huyện đã thực hiện giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

- Ngày 09/11/2006, UBND huyện Yên Thủy ban hành 19 Quyết định thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ đã nộp lại giấy chứng nhận QSDĐ, tuy nhiên đến nay nhà nước chưa thực hiện được việc hoàn trả tiền sử dụng đất các hộ đã nộp ngân sách..

            Đối với vụ việc này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc tập trung giải quyết dứt điểm từ nhiều năm nay. Hiện nay, UBND huyện Yên Thủy vẫn đang tập trung phối hợp các sở, ngành của tỉnh giải quyết, đến nay UBND huyện đã có báo cáo và đề xuất phương án giải quyết. UBND tỉnh đã xem xét phương án đề xuất giải quyết của UBND huyện Yên Thủy, tuy nhiên do tính chất phức tạp của vụ việc, thời gian kéo dài, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều sự thay đổi các quy định của Pháp luật, sự hạn chế về nguồn lực của địa phương. Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND tỉnh đang xin ý kiến hướng dẫn tháo gỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nghèo.

          2. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sang sổ hồng cho người dân tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, nhiều hộ dân đã được trích đo đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm triển khai, giải quyết dứt điểm để người dân quản lý, sử dụng và thực hiện các quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có nhu cầu (Cử tri huyện Yên Thủy)

Trả lời:

          Ngày 20/8/2009, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1613/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật - Dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Trong đó UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, đặt hàng các đơn vị tư vấn đủ năng lực, điều kiện hành nghề để thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số hộ gia đình, cá nhân không phối hợp với đơn vị tư vấn trong việc lập hồ sơ đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên đơn vị tư vấn tạm dừng ở công đoạn đo đạc lập bản đồ địa chính. Do đó hiện còn nhiều thửa đất chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận theo chương trình của dự án. Đến nay các công đoạn đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành và kết thúc, sản phẩm đã được kiểm tra, nghiệm thu và thanh toán kinh phí cho đơn vị tư vấn năm 2014.

Trong trường hợp các hộ gia đình đã thực hiện trích đo mà có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận thì đề nghị đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa huyện Yên Thủy để nộp hồ sơ thực hiện theo quy định.

Trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ và căn cứ thực hiện được quy định cụ thể tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung; và phê duyệt quy trình nội bộ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

3. Hiện nay, việc khai thác các mỏ đất phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo cho phép khai thác đối với một số mỏ đất để phục vụ nhu cầu triển khai xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn huyện (Cử tri huyện Yên Thủy)

Trả lời:

          Ngày 17/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND về việc phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014 – 2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp). Trong đó trên địa bàn toàn tỉnh bổ sung 23 vị trí mỏ: tổng diện tích 550,33 ha; tổng trữ lượng khoảng 142,63 triệu m3; đây là lượng đất đáp ứng cơ bản nhu cầu đất làm vật liệu san, lấp phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2040. Đối với địa bàn huyện Yên Thủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy hoạch có 03 vị trí mỏ; với diện tích 118,6 ha, tổng trữ lượng khoảng 26,92 triệu m3.

          Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1626/STNMT-KS ngày 24/4/2023 hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác đất đắp phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, hiện nay nguồn đất san, lấp để phục vụ các dự án công trình được lấy từ 03 nguồn sau:

1. Nguồn đất khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư theo quy định tại khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản 2010 (sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó).

2. Nguồn đất khai thác ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Điều 65, Luật Khoáng sản (lấy của công trình này phục vụ công trình khác).

3. Các khu mỏ đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch tại Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 về phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014 – 2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp).

Đến nay, thực hiện các trình tự, thủ tục sau khi UBND ban hành Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 17/8/2022. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 440/UBND-KTN ngày 31/3/2023 về việc đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; giao Sở Xây dựng chủ trì, nghiên cứu việc điều chỉnh Nghị Quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04 tháng 5 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình, để thực hiện cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Theo đó, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản

4. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Sơn, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình đang quản lý, sử dụng 868,39 ha đất theo Quyết định số 1611/QĐ-UBND ngày 29/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, diện tích đất do Công ty đang quản lý, sử dụng hiệu quả thấp, chủ yếu là hợp đồng giao khoán cho các hộ dân trồng cây keo (phát canh thu tô). Mặt khác, khi địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án thì rất khó để thực hiện cơ chế thỏa thuận giá trong đền bù giải phóng mặt bằng. Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát diện tích đất do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình đang quản lý, sử dụng kém hiệu quả và đề xuất Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương  (Cử tri huyện Lạc Sơn)

Trả lời:

Tại Quyết định số 1611/QĐ-UB ngày 29/10/2014 UBND tỉnh đã cho Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn huyện Lạc Sơn 738,23 ha, gồm: xã Bình Hẻm 422,11 ha; xã Hương Nhượng 148,85 ha; xã Tân Mỹ 115,54 ha; xã Xuất Hóa 43,02 ha; xã Yên Phú 8,71 ha.

Qua kiểm tra, rà soát đối với diện tích 738,23 ha đất UBND tỉnh đã cho Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình thuê đất; Công ty đã ký Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường và đang quản lý, sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước cho thuê (sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp và sản xuất phi nông nghiệp).

Thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước; Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đã thực hiện ký Hợp đồng giao khoán trồng rừng trên đất bằng hình thức: Công ty đầu tư cây giống, phân bón, dịch vụ kỹ thuật, một phần nhân công và toàn bộ tiền thuế, tiền thuê đất còn người dân nhận khoán đóng góp bằng một phần nhân công lao động để trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đến cuối chu kỳ khai thác, hộ dân trả Công ty sản phẩm theo Hợp đồng, phần còn lại hộ dân nhận khoán được hưởng./.