Trả lời:
Nội dung phản ánh của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác định trên địa bàn xã Phú Vinh có 02 công trình cấp nước, xã Phú Cường có 03 công trình cấp nước, xã Suối Hoa có 02 công trình. Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bổ sung vào danh mục sửa chữa nâng cấp 03 công trình nước sạch và xây mới 01 công trình nước sạch trên địa bàn xã Phú Vinh, xã Phú Cường và xã Suối Hoa vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện quy hoạch tỉnh đang được hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Tân Lạc căn cứ vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở thực hiện thủ tục đầu tư trong thời gian tới. Trước mắt để đảm bảo nước sinh hoạt phục vụ người dân trong vùng, yêu cầu UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng công trình và báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa đảm bảo cung cấp nước cho người dân trong vùng; rà soát và hướng dẫn các hộ dân sử dụng nước bằng các nguồn nước đảm bảo như: nước giếng đào, nước giếng khoan, nước khe suối, nước mặt, nước tự chảy.
2. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn (do sóng điện thoại di động trên địa bàn xã yếu và không ổn định) (Cử tri xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc)
Trả lời:
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 mạng thông tin di động bao gồm Vinaphone, MobiFone, Viettel Mobile, Vietnam Mobile với tổng số 1.048 vị trí cột thu phát sóng thông tin di động (BTS). Theo thống kê, trên 95% số trạm được lắp đặt thiết bị công nghệ 3G, 4G. Tỷ lệ người dân được phủ sóng 3G, 4G đạt 95%. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% (151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động). Tuy nhiên, do một số khu vực trên địa bàn tỉnh có địa hình phức tạp có nhiều đồi núi, khó khăn trong việc triển khai hạ tầng viễn thông nên vẫn có điểm lõm sóng hoặc sóng yếu thuộc thôn/xóm/bản tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đây là tình trạng chung tại các xã vùng sâu vùng xa trên phạm vi cả nước.
UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất các điểm lõm sóng trên địa bàn với Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 969/QĐ-BTTTT công bố danh sách các thôn thuộc khu vực khó khăn được phổ cập dịch vụ viễn thông thực hiện đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 (trong đó có các xóm Nẻ, Mu, Liếm của xã Suối Hoa huyện Tân Lạc). Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh báo cáo đề xuất với Tập đoàn, Tổng công ty (đơn vị chủ quản) xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông đối với một số khu vực không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường trên địa bàn tỉnh.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo sớm triển khai đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân, nhất là phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển du lịch tại địa phương trong giai đoạn hiện nay (Cử tri xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc)
Trả lời:
Xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc hiện có 1.011 hộ thuộc 11 xóm được cấp điện từ đường dây hạ thế có chiều dài 29,38 km sau 11 trạm biến áp với tổng công suất 800 kVA do Điện lực Cao Phong quản lý vận hành, kinh doanh bán điện. Công ty Điện lực Hòa Bình đang tiến hành khảo sát lập phương án báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Bắc phê duyệt phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp 12km đường dây 373 trạm cắt Bụa (E19.6), với tổng mức đầu tư dự kiến là 14,926 tỷ đồng, dự kiến triển khai thực hiện trong quý II năm 2024. Ngoài ra, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang triển khai đầu tư xây dựng trạm 110kV Tân Lạc Công suất 2x25MVA (trước mắt lắp máy biến áp T1 công suất 25MVA; giai đoạn 2025-2030 lắp máy biến áp T2 công suất 25MVA.
Sở Công Thương đang triển khai thực hiện Dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, trong đó: Dự án triển khai trên địa bàn xã Suối Hoa với quy mô: Xây dựng mới 0,152km đường dây trung áp; 01 TBA với công suất 100 kVA; xây dựng mới và cải tạo 4,066km đường dây hạ thế với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành trong quý IV năm 2024. Sau khi dự án hoàn thành cơ bản sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân địa phương.
4. Việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với những dự án đền bù theo cơ chế giá thỏa thuận còn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; quan tâm hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân khi chuyển nhượng đất tại các dự án có quy mô đầu tư lớn (Cử tri xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc)
Trả lời:
Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong phạm vi thực hiện dự án; đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và đúng tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo giải quyết kịp thời các vướng mắc về tranh chấp đất đai, trùng lấn dự án và các nội dung khác có liên quan đến thực hiện dự án trên địa bàn; đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan tại thời điểm, tháo gỡ khó khăn cho Nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; ngày 30/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-UBND về việc Ban hành Quyết định quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các bên liên quan, chủ đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Để triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện những dự án trên địa bàn huyện Tân Lạc, Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo công tác bồi thường, GPMB cấp huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, Văn phòng Huyện ủy là cơ quan thường trực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cũng như ban hành các văn bản chỉ đạo trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện.
5. Trong quá trình triển khai một số dự án trọng điểm còn phát sinh những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực cho các địa phương phát triển (Cử tri nhiều địa phương)
Trả lời:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 698 – QĐ/TU ngày 31/10/2022, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; tổng số có 11 dự án trọng điểm tỉnh (gồm 05 dự án đầu tư công và 06 dự án ngoài ngân sách) đang theo dõi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho từng dự án trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, các dự án trọng điểm có 04 nội dung về khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án là: (1) chưa có mỏ đất đắp phục vụ thi công, (2) thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng để thực hiện các dự án, (3) công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và (4) xây dựng khu tác định cư phục vụ di chuyển người dân thuộc phạm vi thực hiện các dự án.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố (nơi có dự án trọng điểm) đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB, tổ chức thực hiện kiểm đếm, áp giá đền bù GPMB; UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND cấp huyện việc xác định giá đất trong công tác GPMB, thu tiền sử dụng đất tại Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 12/5/2023.
Về việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án: Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thường kỳ để chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm; tại các cuộc họp trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đều mời các nhà đầu tư thực hiện dự án tham dự họp để lắng nghe báo cáo, đề xuất các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời chỉ đạo, giải quyết theo thẩm quyền nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Đối với việc tổ chức đối thoại với người dân thuộc phạm vi thực hiện dự án: UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện đối thoại với nhân dân để nắm bắt thông tin, lắng nghe ý kiến của nhân dân địa phương và giải quyết tháo gỡ, đáp ứng theo nguyện vọng và bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành./.