DetailController

Chính trị

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực Giao thông – Vận tải

29/09/2023 17:00
1. Hiện nay, đối với các dự án công trình giao thông của Chương trình xây dựng nông thôn mới thiết kế chưa đồng bộ, không có lối thoát nước mặt dẫn đến ngập úng tại các khu dân cư (xóm Mít). Đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm rà soát và sớm khắc phục tình trạng trên (Cử tri xã Tý Lý, huyện Đà Bắc)

Trả lời:

          Phản ánh của cử tri, UBND tỉnh giao UBND huyện Đà Bắc khẩn trương rà soát, kiểm tra và báo cáo kết quả giải quyết; trước mắt yêu cầu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất đào rãnh thoát nước dọc, bố trí cửa thoát nước để chống ngập úng tại khu dân cư xóm Mít, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc.

          2. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đường sản xuất và tiếp tục quan tâm hỗ trợ xi măng, cát sỏi để cứng hóa đường giao thông nông thôn, đường nội đồng trên địa bàn (Cử tri xã Tú Lý, huyện Đà Bắc)

Trả lời:

          Những năm qua, huyện Đà Bắc được Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, ưu tiên nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được khởi công đầu tư xây dựng như: Đường thị trấn Đà Bắc – Thanh Sơn, Phú Thọ; Nâng cấp đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong; Đường trung tâm xã Đồng Chum đi xã Mường Chiềng; Đường 433 đi xóm Đầm Phế (trung tâm xã Mường Tuổng cũ), xã Mường Chiềng; Nâng cấp tuyến đường liên xã Nánh Nghê. Cùng với đó, trong 2 năm 2021-2022, Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn theo hình thức nhân dân tự làm, nhà nước hỗ trợ đã thực hiện được 14,7 km, trong đó Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn huyện Đà Bắc giai đoạn 2020-2025 đã thực hiện được 10,5 km; Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2022 thực hiện được 4,2 km. Tổng số km đường bộ của huyện hiện có là 1317,18 km, tăng 56,1 km so với năm 2020.

UBND tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc tiếp tục bố trí, lổng ghép các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cứng hóa kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn cho các xã từ các chương trình, đề án, dự án, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục thông tin đầy đủ, kịp thời về các chương trình, đề án, dự án trên địa bàn cho cán bộ, nhân dân, cử tri biết, ủng hộ và phối hợp tham gia giám sát cộng đồng thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm trong quá trình mở rộng xây dựng các công trình giao thông, khi đường quá sát với hộ dân thì cần tính toán có phương án và mức đền bù phù hợp để tạo điều kiện cho các hộ di dời đến nơi ở mới an toàn, mặt khác cũng tạo hành lang giao thông thông thoáng hơn. Ví dụ như tuyến đường thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn – Phú Thọ (những hộ nằm cách đường 1m hoặc chưa đến 1m) (Cử tri xã Tú Lý, huyện Đà Bắc)

Trả lời:

          Nội dung cử tri phản ánh là tình huống xảy ra trong một số dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay nói chung và trên địa bàn huyện Đà Bắc nói riêng, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải lưu ý, sát sao chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật, đưa ra các giải pháp kỹ thuật để loại bỏ hoặc hạn chế thấp nhất hiện tượng như cử tri đã nêu. Trường hợp bất khả kháng yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện chức năng bồi thường, hỗ trợ tái định cư căn cứ các quy định pháp luật để giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.

4. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng đường giao thông, đặc biệt đối với đường giao thông nông thôn ở khu vực vùng cao sau khi có chủ trương đầu tư đề nghị cần xây dựng phương án thẩm định về hệ thống cống rãnh thoát nước để đảm bảo tuổi thọ công trình (Cử tri xã Tú Lý, huyện Lạc Sơn)

Trả lời:

Các công trình thoát nước là công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, công tác khảo sát thiết kế phải xác định lưu lượng nước trước khi lựa chọn phương án thiết kế phù hợp do vậy không thể sử dụng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang rất khó khăn về việc thực hiện nội dung này. Các công trình giao thông thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn sử dụng hình thức thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được khuyến cao ưu tiên thực hiện cứng hóa trên các tuyến cơ bản đã đảm bảo thoát nước hoặc đã được đầu tư nền, công trình thoát nước trước đó.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đà Bắc nói riêng xem xét ưu tiên sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng nền đường, công trình thoát nước trước, phần cứng hóa mặt đường thực hiện bằng các Chương trình, Đề án “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa.

5. Trục đường Tỉnh lộ 433 từ thị trấn Đà Bắc qua 7 xã vùng cao điểm cuối là xã Nánh Nghê có chiều dài khoảng hơn 80km, lưu lượng tham gia giao thông lớn nhưng lòng đường hẹp, hiện nay đã xuống cấp, nhiều ngầm tràn chưa được nâng cấp gây khó khăn trong lưu thông, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp tuyến đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc (Cử tri xã Tân Minh, huyện Đà Bắc)

Trả lời:

Trên cơ sở hiện trạng thực tế tuyến đường tỉnh 433 và tình hình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 433 đoạn Km0-Km23, ngay từ đầu giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã xem xét nội dung thực hiện đầu tư đường tỉnh 433 đoạn còn lại từ thị trấn Đà Bắc đi xã Nánh Nghê vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hoà Bình thực hiện đầu tư nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm có quy mô lớn phải ưu tiên bố trí ngân sách để triển khai thực hiện (trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng có một số dự án công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000....). Do nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa thể đầu tư đồng loạt nhiều dự án công trình giao thông; trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục giao cơ quan chuyên môn rà soát và báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện đầu tư đoạn còn lại của đường tỉnh 433 từ thị trấn Đà Bắc đi xã Nánh Nghê theo quy định.

6. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và sớm bố trí kinh phí để triển khai nâng cấp bến cảng Hiền Lương nhằm phục vụ khách du lịch, vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân (bến cảng trước đây đường nhỏ, xe ô tô không lưu thông được, không có bãi đỗ xe) (Cử tri xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc)

Trả lời:

Hiện nay, theo nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 883/QĐ-UBND ngày 31/5/2017 và Quyết định số 2957/QĐ-UBND ngày 01/12/2020). Tại vị trí xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình đã quy hoạch 01 bến thuỷ nội địa (bến Hiền Lương). Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu đề xuất cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đăng ký khai thác bến thuỷ nội địa tại khu vực bến Hiền Lương theo quy định.

Theo nội dung đề xuất của Uỷ ban nhân dân huyện Đà Bắc Sở Giao thông vận tải đã tổng hợp và tích hợp điều chỉnh quy hoạch từ bến Hiền Lương thành Cảng Hiền Lương vào nội dung của Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Sau khi nội dung quy hoạch tỉnh Quy hoạch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt (dự kiến quý IV/2023), UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân huyện Đà Bắc tăng cường công tác tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật để công bố hoạt động cảng Hiền Lương, đồng thời đề xuất nâng cấp các tuyến đường kết nối với cảng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các phương tiện được lưu thông an toàn và thông suốt./.