DetailController

Tin từ các đơn vị

TP Hòa Bình: Kết quả 10 năm thực hiện việc “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”

15/05/2020 00:00

Những năm gần đây, văn hoá ở nước ta có bước phát triển về nhiều mặt. Các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển. Hội nhập văn hóa ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm văn hoá có giá trị được tiếp thu, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Tuy vậy, một số sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm huỷ hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Mở lớp truyền dạy trình tấu Chiêng Mường tại phường Thái Bình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội”, các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống đến các tầng lớp nhân dân, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng. Kết quả từ năm 2010 đến nay, cơ quan tuyên truyền của thành phố đã treo 985 băng rôn khẩu hiệu, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh được trên 4.000 lượt; 210 áp phích; tuyên truyền qua các hội nghị với nội dung về thực hiện đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên Internet, phòng chống các sản phẩm văn hóa độc hại. Ngày sách Việt Nam (21/4) hàng năm, đã lựa chọn các đầu sách, các tác phẩm văn học, các tập thơ để trưng bày, giới thiệu đến các độc giả, học sinh và các tầng lớp nhân dân trong toàn thành phố, thu hút hàng nghìn người tham gia tìm hiểu và nghiên cứu.

Vào các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của địa phương, đã tổ chức được gần 2.500 buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, qua đó nhiều tác phẩm âm nhạc đã được nhân dân sáng tác và tự biên. Một số tác giả, những người yêu nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm, bài hát sáng tác về thành phố, tiêu biểu như: Nhạc sĩ Tống Đức Cửu, Nhạc sĩ Đinh Thanh Lượng, Nhạc sĩ Huy Tâm với 30 ca khúc ca ngời quê hương, đất nước, Nhà thơ Đinh Đăng Lượng với nhiều tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước…Phòng VHTT đã mở được 03 lớp truyền dạy trình tấu Chiêng Mường cho các xã, phường nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Duy trì hoạt động thường xuyên của 213 đội văn nghệ tuyên truyền cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh mẽ, góp phần loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng. Hằng năm tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng; Hội thi tuyên truyền cổ động để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, bảo tồn văn hóa địa phương. Mở lớp mời nghệ nhân có kinh nghiệm tham gia truyền dạy các loại hình nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị, trình tấu chiêng Mường; phục dựng lễ hội truyền thống.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại…” còn được lồng ghép, triển khai trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tỷ lệ đạt gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa tăng hàng năm, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những nét văn minh tiêu biểu đã được thực hiện: không tổ chức đám cưới trong giờ hành chính; việc cưới không kéo dài 2,3 ngày, đám cưới không hút thuốc lá; mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới; viếng nghĩa trang liệt sĩ hướng về cội nguồn…Việc tang được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, loại bỏ dần các tập tục, tập quán lạc hậu; không linh đình, ồn ào, đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự công cộng; thực hiện nghiêm túc quy định về sử dụng nhạc tang, an táng phù hợp với điều kiện địa phương theo nếp sống văn minh, tỉ lệ hỏa táng đạt 30%; tỉ lệ chôn cất một lần, không bốc mộ đạt 60%. Chôn cất tập trung theo quy hoạch (nghĩa trang của khu dân cư) đạt tỉ lệ 100%.

Để ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, các cấp chính quyền ở thành phố tuyên tuyền, giáo dục đến cán bộ, người dân để thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội, trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

Hàng năm, 100% hộ kinh doanh các loại hình dịch vụ văn hóa được tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; ký cam kết trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh. Tăng cường chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật. Các Đội liên ngành đã phối hợp tổ chức 10 cuộc/năm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, băng đĩa, kinh doanh văn hóa, quảng cáo, in ấn, xuất bản…Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm về điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như ngăn chặn sự xâm nhập, tán phát của các loại văn hóa độc hại vào địa bàn thành phố…/.