DetailController

Kinh tế

Tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt hơn 42.000 tỷ đồng

26/06/2023 16:30
6 tháng đầu năm 2023, Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách trọcg tâm của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến tiền tệ, tín dụng và lãi suất; đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn; kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất, cho vay các chương trình ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tính đến 31/5/2023, tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 31.597 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2022.

Đến 31/5/2023, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng đạt 42.128 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2022. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 31.597 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ trên toàn địa bàn đạt 34.815 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn chiếm 1,13%/ tổng dư nợ.

Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Trong đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tích cực triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Qua đó, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp. Đối với dư nợ mới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện. Như vậy, hệ thống ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn để cho vay, những khách hàng đủ điều kiện đều được tiếp cận được vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, đạt 287,7 tỷ đồng, bao gồm: Cho vay hỗ trợ  tạo việc làm 150 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội 114,4 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị học tập 8,7 tỷ đồng; cho vay các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập 0,8 tỷ đồng; cho vay chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi 13,8 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, ổn định thị trường, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp./.