DetailController

Quốc phòng - An ninh

Tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

21/03/2024 16:30
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, nhìn chung, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm. Hàng hoá có chất lượng đảm bảo, định lượng đủ, nhãn hàng hoá được ghi rõ ràng, hàng hoá có niêm yết giá bán, số lượng hàng hoá đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không có hiện tượng dư thừa các loại lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một số ít cơ sở vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các hành vi vi phạm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, kiên quyết thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Các lực lượng chức năng tại địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tăng cường công tác kiểm tra nắm bắt và kịp thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị kinh doanh, nhất là các mặt hàng bình ổn giá để phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm và có giải pháp xử lý kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hành vi vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là tại các điểm tập kết lên xuống hàng hóa, bến xe và các tuyến quốc lộ. Đẩy mạnh tập trung công tác nắm tình hình địa bàn, tuyến, lĩnh vực. Tiến hành tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động về gian lận thương mại, bán hàng online, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả; Khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản cát, đá, sỏi…Thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác mở hồ sơ nghiệp vụ để theo dõi, quản lý theo quy định.

Các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện kiểm tra theo đúng kế hoạch, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không kiểm tra chồng chéo làm ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Tăng cường phối hợp với cơ quan báo, đài, truyền hình địa phương, truyền tải thông tin về các quy định của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh và nâng cao nhận biết của người tiêu dùng về hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng như vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, pháo hoa, ma túy; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như: hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc…nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Giữ cho thị trường trước, trong và sau Tết được ổn định, đảm bảo an sinh xã hội.

Kết quả, tổng số vụ xử lý trên địa bàn tỉnh là 188 vụ. Phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu trị giá 648.115.000 đồng. Trong đó tiền phạt vi phạm hành chính 548.850.000 đồng; hàng hóa tịch thu trị giá 99.265.000 đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hoá, vi phạm về niêm yết giá hàng hoá, vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, quy định về bán lẻ sản phẩm thuốc lá, gia công hàng hoá mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu… Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 202 vụ, xử lý 132 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 348.600.000 đồng; trị giá hàng hóa tịch thu 42.080.000 đồng. Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 49 vụ việc (số vụ/số đối tượng khởi tố 07 vụ/07 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 42 vụ) với tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 57.185.000 đồng; phạt vi phạm hành chính 113.500.000 đồng. Lực lượng Kiểm lâm phối hợp tốt với các ngành và chính quyền địa phương tiến hành tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, bắt giữ và xử lý vi phạm 07 vụ việc (02 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 03 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 01 vụ lấn chiếm rừng sản xuất và 01 vụ vô chủ); xử lý vi phạm hành chính 06 vụ với tổng số tiền là 86.750.000 đồng; tang vật tịch thu gồm lâm sản 7,652 m3 gỗ tròn nhóm thông thường; 0,092 m3 gỗ xẻ nhóm IIa; 05 dao phát.  Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra được 04 Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tuyến huyện; 21 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, các cơ sở được kiểm tra chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Về Kế hoạch thực hiện sau Tết và các tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung làm tốt công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa và phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực thi công vụ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với chính quyền địa phương cũng như nắm bắt kịp thời tình hình, kết quả thực hiện công tác quản lý thị trường tại các xã, phường, thị trấn. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính để đạt hiệu quả tối đa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với các loại hàng hoá lưu thông trên thị trường. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài, truyền hình để truyền tải thông tin và đưa tin. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình nhất là tại các tuyến, địa bàn, trọng điểm đã xác định như: Tuyến đường 6 về Lâm sản, Gian lận thương mại; Tuyến Đà Bắc về lâm sản, khoáng sản; Tuyến đường Hồ Chí Minh về buôn lậu, hàng cấm; Địa bàn TP Hòa Bình về gian lận thương mại, hàng giả. Triển khai kịp thời sự chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của UBND tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.