Dự án tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas và LANDA/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 3 năm (từ 01/6/2020 đến 31/5/2023) nhằm góp phần thúc đẩy, bảo vệ quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Hoà Bình, tỉnh Cao Bằng. Tại tỉnh Hoà Bình, Dự án được triển khai trên địa bàn 6 xã (Thành Sơn, Chiềng Châu, Vạn Mai - huyện Mai Châu; Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn - huyện Đà Bắc).
Thời gian qua, triển khai thực hiện Dự án, các tổ chức thành viên của LANDA và các tổ hoà giải ở cơ sở đã được cung cấp những nguồn lực quan trọng, hỗ trợ đất cho cộng đồng địa phương trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, đóng góp xây dựng chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiêủ số. Tính đến nay, đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở. Hơn 630 hoà giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương được đào tạo, nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai, pháp luật hoà giải ở cơ sở, kỹ năng hoà giải cơ sở, kỹ năng tuyên truyền, đóng góp xây dựng chính sách đất đai. Có 6 sáng kiến cộng đồng được Dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở. Khả năng tiếp cận thông tin liên quan tới quyền đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Dự án đã xây dựng một bộ Cầm nang về hoà giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai.
Ngoài ra, Dự án tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng thực hiện một loạt các nghiên cứu trường hợp điển hình, các báo cáo khuyến nghị chính sách dựa trên thực chứng và tổ chức hội thảo đối thoại chính sách với các địa phương, cải thiện chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở, giải quyết vướng mắc về đất đai của người dân tại địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Dự án tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua; vai trò của tổ hoà giải ở cơ sở trong giải quyết các vướng mắc, đặc biệt liên quan tới quản lý sử dụng tài nguyên đất và rừng. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề để thời gian tới Dự án tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số có thể được nhân rộng mô hình trên địa bàn các địa phương khác của tỉnh./.