Năm 2018, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 hình thái. Thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm nhiều so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, đã có 224 người chết và mất tích (92 người do mưa lũ, chiếm 41%; 82 người do lũ quét, sạt lở đất, chiếm 37%; 50 người do các thiên tai khác, chiếm 22%); 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m³ đất đá đường Quốc lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão. Tổng thiệt hại ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2019, thiên tai xảy ra ở khắp các vùng miền trên cả nước. Gần đây nhất, từ ngày 25/5 đến ngày 01/6, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to, gây ngập, lụt, sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, làm 23 người chết và mất tích; 36 người bị thương và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ T.Ư về PCTT, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân nên công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh và có nhiều cải tiến với nhiều hình thức phong phú hiệu quả. Để ứng phó với thiên tai, đã huy động 362.426 lượt cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực ượng khác: xử lý trên 1.200 vụ, cứu đươc 1.560 người, 88 phương tiện; kêu gọi và thông báo cho trên 804.000 lượt phương tiện/3.680.000 lượt người biết thông tin về bão; giúp dân chằng chống trên 265.000 nhà; hỗ trợ sơ tán 137.734 hộ/681.265 người. Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 9.461 tỷ đồng và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA; hỗ trợ 5.705 tấn gạo cứu đói; 1.234 tấn giống hạt cùng nhiều hỗ trợ khác. Sau thiên tai, chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống, góp phần duy trì tăng trưởng, phát triển KT-XH nói chung, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Nhận định tình hình năm 2019, bão sẽ hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm, tập trung ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các vùng núi, đặc biệt là khu vực Tây Bắc; trên một số sông, suối nhỏ và thượng lưu các sông vẫn có khả năng xuất hiện lũ lớn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai mạnh nhất, vì vậy phải xác định việc phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa trước mắt vừa lâu dài, phải xây dựng xã hội, đất nước an toàn trước thiên tai, lấy phòng là chính. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải luôn chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ và có phương án ứng phó với thiên tai trong mọi hoàn cảnh. Năm 2019, cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại nhất là đảm bảo tính mạng của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCH T.Ư về PCTT; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai; tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai và nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, khả năng chống chịu của các công trình hồ đập. Thông tin, truyền thông là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu rủ ro thiên tai, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra…/.