
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại; bão, mưa lớn kèm giông lốc xoáy; mưa lũ gây sạt lở, ngập lụt đã làm thiệt hại trên địa bàn các huyện, thành phố. Thiệt hại về người có 12 người chết và 07 người bị thương. Số nhà bị ảnh hưởng và thiệt hại là 3.483 nhà. Thiệt hại về giáo dục 37 điểm trường bị ảnh hưởng. Thiệt hại về y tế 02 cơ sở y tế bị ngập nước với mức độ thiệt hại một phần. Thiệt hại về văn hóa 03 nhà văn hóa thiệt hại nặng và 11 nhà văn hóa thiệt hại một phần. Thiệt hại về nông, lâm nghiệp tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 9.747,6ha. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, tỉnh thực hiện sơ tán 2.512 hộ dân, 2.294 hộ đã quay về chỗ ở cũ, hiện còn 217 hộ đang ở nơi sơ tán đảm bảo an toàn…Ước giá trị thiệt hại khoảng trên 1.484 tỷ đồng; trong đó thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp trên 320 tỷ đồng; các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại ước tính giá trị khắc phục, phục hồi (129 hạng mục cơ sở hạ tầng) trên 725 tỷ đồng; khu vực dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần thực hiện ổn định dân cư (42 hạng mục) trên 438 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày Báo cáo tổng kết công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025
Khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương chủ động huy động lực lượng và phương tiện khắc phục hậu quả dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong toàn tỉnh trong công tác ứng phó, phòng chống với thiên tai; qua đó đã giảm nhẹ thiệt hại. Trong đợt ứng phó với cơn báo số 3 Yagi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 06 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó tại các địa phương; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trên địa bàn; các địa phương chủ động di chuyển người dân tại các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai khi có mưa lũ xảy ra đến nơi an toàn.
Lãnh đạo Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình trình bày Báo cáo diễn biến khí tượng, thủy văn năm 2024 và nhận định thời tiết năm 2025
Hội nghị được nghe Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình trình bày Báo cáo diễn biến khí tượng, thủy văn năm 2024 và nhận định thời tiết năm 2025.
Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thảo luận tại hội nghị
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2024. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Nhấn mạnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và các Sở ngành, địa phương tập trung kiện toàn công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự theo Luật Phòng thủ dân sự 2023; sắp xếp Ban Chỉ huy các cấp đảm bảo đồng bộ, đúng quy định. Lập Đề án quản lý rủi ro, cơ sở dữ liệu thiên tai trên nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số kinh tế - xã hội. Rà soát toàn diện tình hình thiên tai, năng lực ứng phó, chính sách pháp luật. Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất. Ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai; xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai phù hợp. Đẩy mạnh truyền thông về phòng chống thiên tai qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình; tổ chức tập huấn, tuyên truyền kỹ năng ứng phó, xây dựng cẩm nang phòng chống bão lũ cho người dân. Rà soát khu vực xung yếu, đánh giá an toàn hồ chứa, xây dựng phương án bảo đảm an toàn, bố trí lực lượng, kinh phí phù hợp; kiểm tra, chỉ đạo thực hiện và đề xuất biện pháp ứng phó khi cần. Tiếp tục xây dựng khu tái định cư cho vùng thiên tai, lập đề án di dời dân khỏi khu vực sạt lở, bố trí kinh phí giai đoạn 2026-2030 và nghiên cứu cải tạo chỗ ở cho người dân chưa được di dời. Triển khai xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, rà soát và nâng cấp các đập, hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn; xây dựng phương án nâng cấp các tuyến đường giao thông để phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ./.