DetailController

Giáo dục

Tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020”

18/06/2021 00:00
Ngày 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Đồng chí Quách Thế Tản, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh phát biểu tham luận tại hội nghị.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” được triển khai từ năm 2013 với 4 mục tiêu chính, đó là xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; kết quả học tập nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ; kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề lao động có hiệu quả hơn và hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương, sau 8 năm thực hiện, các mục tiêu của Đề án đã cơ bản hoàn thành và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 – 60 tuổi là 97,85%; 94,92% cán bộ, công chức từ Trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, số lao động nông thôn, công nhân lao động được học nghề ngày một nhiều, 96,78% lao động tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển giao khoa học, kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung  tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6%. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên.

Tại hội nghị, nhiều tham luận cũng chia sẻ về một số khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Tập trung vào các vấn đề về đào tạo nghề cho công nhân, phát triển lao động có trình độ bậc 6, bậc 7. Tuy nhiên, nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế.

Nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất 6 nhóm giải pháp trong thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa vai trò, lợi ích của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; Tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường-gia đình- xã hội; Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng gắn với xóa mù chưc và dạy nghề ngắn hạn; xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị và Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò nòng cốt, quan trọng. Qua 8 năm thực hiện Đề án 89 đã có nhiều kết quả quan trọng cho việc xây dựng hình thành xã hội học tập. Điều đó cho thấy, đây là một chủ trương được ban hành kịp thời và đi vào thực tiễn. Để đề án hiệu quả, Bộ trưởng yêu cầu cần phải có sự đổi mới trong quá trình hoạt động và phương pháp thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mỗi người phải nhận thức được nhu cầu hoạt động để phát triển bản thân. Các cơ sở giáo dục cũng phải đóng vai trò then chốt trong sự phát triển xã hội học tập. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội học tập.Trong thời gian tới, Bộ sẽ đánh giá lại mô hình Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng để củng cố các thành tố sao cho hoạt động hiệu quả. Tiếp tục tăng cường hệ thống học tập từ xa, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên./.