DetailController

Khoa học - Môi trường

Tổng kết 5 năm công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới

06/07/2015 00:00
Ngày 06/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm (2010 – 2015) công tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn (GTNT) gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2016 – 2020). Trưởng BCĐ Quốc gia xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở GTVT, NN&PTNT, KH&ĐT.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

 Theo báo cáo của Bộ GT - VT hiện nay cả nước có 492.892km đường GTNT tăng 217.433km so với thời kỳ trước năm 2010. Xây dựng mới được 47.437km đường và 15.474 cầu; cải tạo nâng cấp sửa chữa 103.394 cầu. Tính đến đến nay cứng hóa mặt đường cho 222.246 km đường các loại. Tổng số 351 bến phà chủ yếu trên đường huyện, đường xã; 2.552 bến đò ngang sông chuyên chở người, hàng hóa và các phương tiện giao thông vượt sông tại các vị trí chưa có cầu. Tổng vốn huy động đạt 186.194 tỷ đồng (bằng 183% giai đoạn 10 năm trước). Hạ tầng GTNT ngày càng phát triển từng bước hiện đại theo hướng bền vững, tải trọng cầu đường cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hiện nay. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng GTNT quy mô nhỏ, kỹ thuật thấp, vốn đầu tư ít, lưu lượng vận tải không lớn. Cả nước có 65 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, nhiều xã đã có nhưng vào mùa lũ thường bị ngập, chia cắt tạm thời…

Đến nay, nhiều địa phương đã được công nhận hoàn thành tiêu chí xây dựng GTNT trước thời hạn; 25,1% số xã được công nhận hoàn thành tiêu chí số 2 xây dựng GTNT, tập trung nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ, một số huyện thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành 4 chỉ tiêu về nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường xã, đường liên xã đến năm 2020; ít nhất 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM với 4 tiêu chí về GTNT; 70% số xã được cứng hóa đường trục thôn xóm; 100% đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông theo Chiến lược phát triển GTNT. Đến trước năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II xây dựng hơn 3.900 cầu theo Đề án cầu dân sinh tại 50 tỉnh, thành phố…

Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đã đánh giá làm rõ thêm kết quả của địa phương trong xây dựng hạ tầng GTNT. Đồng thời chỉ ra những khó khăn về vốn để hoàn thành các mục tiêu về tiêu chí GTNT trong chương trình xây dựng NTM; quy hoạch phát triển GTNT, quy hoạch thoát nước và các quy hoạch khác chưa đồng bộ; chất lượng thi công chưa cao…

Với những thành tích đã đạt được trong công tác xây dựng GTNT 5 năm (2010 – 2015), đã có 15 tập thể được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 51 tập thể và 46 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định xây dựng NTM nói chung, xây dựng GTNT nói riêng đã trở thành một phong trào rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên cả nước; nhận thức của toàn xã hội được nâng lên, người dân tự nguyện đóng góp, hiến đất nhờ đó huy động được nguồn lực lớn để làm GTNT. Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực. Các bộ, ngành địa phương nghiên cứu để cấp thêm kinh phí, vật liệu xây dựng cho địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, trong đó xem xét tính đặc thù của từng địa phương đặc biệt là các tỉnh miền núi để tập trung phân bổ. Riêng Bộ GTVT hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương trong công tác xây dựng. Các tỉnh, huyện bố trí ngân sách địa phương và huy động sức dân căn cứ theo khả năng của từng vùng. Tiếp tục sự vào cuộc của hệ thống chính trị, vận động người dân tham gia xây dựng hạ tầng GTNT, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đưa một số chỉ tiêu của GTNT vào Nghị quyết của đại hội đảng bộ tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền và mở rộng các mô hình, khen thưởng kịp thời đối với các gương làm tốt. Phát triển GTNT theo Chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phải đảm bảo yêu cầu chất lượng là hàng đầu.