Trong 10 năm qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ. Chất lượng và tỷ lệ nữ được giới thiệu và bầu tham gia lãnh đạo các cấp các ngành được nâng cao; tăng tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp. BTV Tỉnh uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 – 2020 đảm bảo đúng nội dung, phương pháp, đối tượng…Ngoài việc đảm bảo tỷ lệ nguồn quy hoạch, cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ đưa vào quy hoạch đã được các cấp uỷ chú trọng, đặc biệt là nữ người dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ đảng các cấp đạt không dưới 15%; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt không dưới 35%; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội 03/06=50%, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND tỉnh 12/61=19,67%, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp huyệ, thành phố 101/383=26,37%, tỷ lệ nữ trúng cử HĐND cấp xã, phường, thị trấn 1.625/5.230=24,18%. Đảng viên là nữ 19.011/61.544 đồng chí chiếm 30,9% tổng số đảng viên toàn đảng bộ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tỉnh đã tăng cường các nguồn vốn vay cho lao động nữ, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Năm 2016, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm là nữ chiếm 49%. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nữ cán bộ quản lý là 1.273/1.875 đạt 67,8%; tỷ lệ nữ giáo viên chiếm 83%, toàn ngành có 17 nữ cán bộ, giáo viên được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 24 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia và hàng trăm nữ giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…
Năm 2016, số vụ có nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khoẻ, đang được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở, giúp nạn nhân bạo lực gia đình là 240 vụ, trong đó số vụ có nạn nhân nữ bị bạo lực gia đình là 235 vụ, trẻ em bị bạo lực là 05 vụ…
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số sở, ngành cấp tỉnh và địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo về bình đẳng giới và hoạt động Vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ. Vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt, đối xử; kinh tế đầu tư cho phát triển đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ còn hạn chế…Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về công tác quy hoạch cán bộ nữ, vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tại địa phương…
Với kết quả đạt được sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, đã có 10 tập thể và 08 cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sau 10 năm, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận: hiện nay Hoà Bình là một trong 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính cao nhất trong cả nước. Vì vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính đang là vấn đề cần các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục quan tâm, có các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo tính bền vững đối với kết quả đạt được hiện nay; vấn đề bạo hành trong gia đình…Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các đơn vị cần quan tâm, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể để thực hiện Luật Bình đẳng giới. Đặc biệt chú trọng, nâng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ngăn chặn hành vi bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội…